Có một người nhạc sĩ mà gia tài âm nhạc ông để lại rất đa dạng và phong
phú. Những sáng tác của ông là một mảng ghép giữa cuộc đời, tình yêu, và
thân phận. Chúng ta sẽ thấy một Kinh khổ hoàn toàn không có tương quan
với Mười năm yêu em. Hay một Mộng sầu sẽ hoàn toàn khác hẳn với Một đời
áo mẹ áo em. Đó là cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả của những ca khúc
bất hủ về tình yêu và chiến tranh. Cuối đời mình, ông đã cùng với nhạc
sĩ Trúc Hồ viết lên những bản hợp ca oai hùng nói về tình yêu quê hương,
nhân loại.
Trong chương trình, mời quí vị cùng nghe những lời chia sẽ của nhà
thơ Du Tử Lê, người có một tình thâm với cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ
khi còn ở Sài Gòn cho đến ngày ông mất ở quê người.
“Hôm nay, anh trình bày cùng với Khánh Ly bài Mây hạ. Xin anh cho biết bài hát này anh viết từ năm nào?”
“Bài hát này anh viết năm 1967, lúc đó anh vào quân đội được một năm rồi.”
“……”
“Khi một ca khúc, khi một tình khúc được ra đời thì nó mang nhiều ý
nghĩa, và trong đó cũng có phảng phất một tình yêu của mình.”
Tiếng nói, tiếng hát trầm, ấm, chân tình như chính bút hiệu của ông,
Trầm Tử Thiêng. Một bút hiệu mà khi gọi lên, gợi cho người nghe những
suy tưởng về một cuộc đời cô độc và có chút gì…ai oán.
Thế nhưng, không. Người bạn vong niên từ thưở còn ở Sài Gòn của Trầm
Tử Thiêng cho đến suốt những năm sống ở quê người là nhà thơ Du Tử Lê
nói rằng, bạn của ông là một người có cuộc sống khép kín chứ không cô
độc, không lẻ loi.
“Ông ấy ít tâm sự với bằng hữu về đời sống tình cảm, chỉ một vài
người biết thôi. Ông ấy là người đối xử với bằng hữu rất tử tế, như bát
nước đầy. Đó là một người đối với bằng hữu hay lắm, nhưng lại là một
người rất kín đáo về đời sống riêng.”
Trầm Tử Thiêng để lại cho đời khoảng 200 ca khúc về tình yêu, thân
phận, quê hương và chiến tranh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm
của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và của
chính cuộc đời ông. Từng giai đoạn, từng biến cố của đất nước đều ảnh
hưởng rất lớn đến ca khúc của họ Trầm. Cuộc đời sáng tác của Trầm Tử
Thiêng có thể nhìn ở ba giai đoạn quan trọng, trước ngày 30 Tháng Tư năm
75, sau năm 1975 và thời gian ông lưu lạc ở quê người. Cả ba giai đoạn
đều tồn tại một Trầm Tử Thiêng đau nỗi đau quê hương và một Trầm Tử
Thiêng tôn thờ tình yêu thuỷ chung.
Trong một lần trả lời cố nhà báo Trường Kỳ, cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có nói rằng “mỗi
giai đoạn trong tác phẩm của ông đều có sự hiện diện của tình yêu, hoặc
thân phận của con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống. Dĩ nhiên, nó
xen lẫn nỗi đau thương và niềm hạnh phúc.”(trích Tuyển tập Nghệ sĩ 3
xuất bản năm 1998).
Trầm Tử Thiêng, người đau nỗi đau quê hương
“Thứ nhất là những sáng tác ông ấy viết khi còn ở Việt Nam, tức là
tính đến Tháng Tư năm 1975. Trong thời gian này, ông ta có hai loại
nhạc. Loại nhạc thứ nhất là nhạc tình cảm. Một bài nổi tiếng của ông ấy
mà tôi tin nhiều người biết đó là Hương ca vô tận.”
Cuối thập niên 1950, rất khó, hay nói đúng hơn là không có một nhạc
sĩ nào dùng tên riêng của một người con gái để gửi vào nhạc phẩm của
mình. Hương ca vô tận đã đánh dấu một cái nhìn mới, rất phóng khoáng của
chàng thanh niên trẻ Trầm Tử Thiêng.
“Thời đó, tính đến cuối năm 1975, thì các nhạc sĩ không muốn đem
tên người vào trong nhan đề, cũng như ca khúc, vì họ cho như vậy là cá
nhân quá, tư riêng quá.”
“Khi mà bà Thái Thanh chọn hát thì mình cũng hiểu là nó có
một giá trị nghệ thuật nào đó, và bà đã rất thành công với bài Hương ca
vô tận.”
1968, Trầm Tử Thiêng kể lại câu chuyện cây cầu Trường Tiền bị gật sập
trên sông Hương như thể ông đang chia sẽ nỗi đau với người dân xứ Huế,
một nơi rất gần với Quảng Nam, miền đất quê ông. Đây cũng là ca khúc đầu
tiên của Trầm Tử Thiêng đánh dấu việc ông chính thức dùng âm nhạc để
phản ảnh biến cố lịch sử.
“Nói về đặc thù của nhạc Trầm Tử Thiêng tôi nghĩ chúng ta nên đề
cập đến bài Kinh Khổ, là bài ông ấy rất tự hào, chỉ xây dựng trên ba nốt
nhạc mà thôi. Tôi cho rằng trong vòng tân nhạc Viêt Nam chưa có người
nhạc sĩ nào sáng tác một ca khúc mà chỉ với ba nốt nhạc mà thôi.”
Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đi, rồi lũ lượt kéo nhau trở về
trong tiếng cầu kinh. Đi đâu? Ai đi? Ai trở về? Trầm Tử Thiêng không hề
nhắc đến. Chỉ thấy rằng trùm phủ trong 3 nốt nhạc ấy là thân phận của
dân tộc Việt Nam, qua hình ảnh của người Mẹ đêm đêm vọng cầu lời kinh
khổ.
Ba nốt nhạc vang lên đều đặn như tiếng gõ mõ cầu kinh, hiền lành nơi cửa từ bi nhưng tiếng vọng thì ai oán xé nát màn đêm.
Trầm Tử Thiêng yêu quê hương như chính thân phận mình. Ông ngồi đấy,
nghiêng tai, soi lại đời mình, cũng chính là lúc ông nhìn lại hoàn cảnh
thân phận của ngừoi Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam, ngậm nhắm những kỷ niệm
dù là không đầm ấm.
Trầm Tử Thiêng, người tình thuỷ chung
Kỷ niệm là những gì đã trôi qua tầm tay, thuộc về một sân ga có tên
là quá khứ. Mỗi một ngày là sân ga ấy lại xa hơn so với con đường phía
trước. Thế nhưng, như định luật không thành văn, mỗi khi tình cờ nhìn
lại một kỷ vật, hay đôi khi chỉ cần nghe một tiếng cười, đi qua một mùi
hương thoảng quen nào đó, thì tất cả ký ức như ngọn lửa cuồn cuộn tràn
về. Có ai đã từng một lần nhìn vào tấm ảnh úa vàng có in dấu những mảng
vụn vỡ của Sài Gòn ngày cũ, rồi thẫn thờ nhớ về tháng ngày đã qua, thấy
mình như đứa trẻ mồ côi lạc loài? Trầm Tử Thiêng đã từng như thế.
“Khi ông ấy nhớ lại một cuộc tình, hơi bi thảm, và tôi cho rằng vì
cuộc tình ấy mà gần như cả cuộc đời ông ấy không có gia đình. Cái bài
tiêu biểu cho cuộc tình bi thảm và thuỷ chung của nhạc sĩ Trầm Tử
Thiêng, đó là ‘Đêm nhớ về Sài Gòn’”
Với đất nước, ông chọn cho mình là một người viết sử bằng âm nhạc.
Với tình yêu, ông chọn làm người tình thuỷ chung, dù là mười năm, hay
mười lăm năm, hay nhiều hơn nữa.
“Linh hồn của 2 bản nhạc ấy là một người thôi. Ông ấy viết Mười
năm yêu em là vì khi ông ấy qua đây là mười năm, cũng là thời điểm ông
ấy viết Đêm nhớ về Sài Gòn. Như tôi hiểu, như tôi biết, sở dĩ ông ấy
trân trọng như vậy là bởi vì người phụ nữ đó cho đến ngày ông ấy mất thì
vẫn không có lập gia đình. Vì vậy ông ấy rất trân trọng mối tình ấy.”
Cho đến những ngày cuối đời, có thể gọi là giai đoạn thứ ba trong
cuộc đời sáng tác của Trầm Tử Thiêng, là giai đoạn ông cùng với nhạc sĩ
Trúc Hồ ghi dấu ấn với những bản hợp ca hùng tráng như Bước chân Việt
Nam, Bên đang có ta…
Trái tim của Trầm Tử Thiêng suốt một đời đập cùng nhịp đập của đất
nước. Hơi thở của ông đầy, vơi theo con nước thuỷ triều trong dòng sông
vận mệnh của nước Việt. Bao nhiêu năm sống lưu lạc xứ người, cho đến
cuối đời mình, ông vẫn đau đáu nghĩ về “Một đời áo mẹ áo em”.