jeudi 26 novembre 2015

Tan nát cây vĩ cầm đường phố - Mặc Lâm, biên tập viên RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-crumbs-of-a-street-violin-ml-11142015073043.html/ta-tri-hai-622.jpg/imageNhững năm gần đây mỗi lần Hà Nội hay Sài gòn có biểu tình chống Trung Quốc thì người ta lại thấy xuất hiện một ông già tóc trắng phau thường đi trước đám đông, trên vai luôn tựa một cây vĩ cầm cũ kỹ, kéo những bản nhạc yêu nước bất kể tiếng hô của người biểu tình lấn áp tiếng đàn nhỏ bé hiền lành của ông. Người nhạc sĩ lạ lùng ấy là Tạ Trí Hải, được người biểu tình cũng như hầu hết dân oan biết mặt biết tên, đặt cho cái danh hiệu rất dễ thương “nghệ sĩ đường phố”.



Lên tiếng bằng tiếng đàn

Ông không phản đối cũng không chấp nhận danh hiệu này mà chỉ nở nụ cười hiền lành khi nghe ai nhắc tới như một cách khen ngợi. Với ông, cây đàn không phải là kế sinh nhai mà là một vật thể gắn bó và chuyên chở tâm trạng của ông tới với mọi người. Cây vĩ cầm cũ kỹ ấy không khác một người bạn thân, vì thiếu nó sẽ không có Tạ Trí Hải, sẽ không có hình ảnh bụi bặm với người nhạc sĩ có địa chỉ là Bờ hồ Hà Nội và Nhà thờ Đức Bà Sài gòn. Căn cước của ông là đường phố, là những hẻm nhỏ tồi tàn của Sài Gòn, là những chiếc ghế đẩu thấp lè tè của các hàng chè Hà Nội. Cây đàn trên lưng, vài vật dụng lỉnh kỉnh của một người du mục trong thời đại @ đã làm ông nổi bật giữa đám đông mỗi lần trình diễn.
Trên đầu là chiếc nón rộng vành, trang phục như một chàng cao bồi miền Viễn tây, nhưng ông không trình diễn như các ngôi sao mà cung cách đàn hát của ông mang thần thái của các tay chơi du ca của các bộ tộc sống đời du mục. Bạn trẻ tập trung chung quanh nghe ông đàn để thấy mình được thở thứ không khí trong lành của bầu khí quyển âm thanh chưa bị vấy bẩn bởi showbiz thương mại. Họ nghe và hát chung, đồng cảm với tiếng đàn của ông giữa trời thu Hà Nội hay nắng rát Sài gòn.
Khung cảnh một buổi đàn hát như thế thường có khoảng dăm chục người, nhưng đây là đám đông chọn lọc. Những chàng trai cô gái, thậm chí những người trung niên hay lớn tuổi tham gia với tâm thức hòa vào tiếng nhạc của ông để nhận lấy sự bình yên trong khoảnh khắc trước vây bủa của đời sống thường nhật bụi bặm đầy những băn khoăn lo lắng.
Tiếng đàn của người nghệ sĩ ấy không xuất sắc, không vượt trội nhưng nó mang tâm thế của một nghệ sĩ chân chính. Một nghệ sĩ không bị đè bẹp bởi đồng tiền hay sợ hãi. Ông đứng bên trên nỗi sợ áo cơm lẫn nỗi sợ bị áp bức. Lấy tiếng đàn lời hát làm vũ khí để chống lại thế lực kinh khủng mà người dân chung quanh ông lãng tránh: thế lực của phương Bắc, mua đứt những con người Việt Nam quên gốc gác và nhất là bị nhốt kín trong chiếc lồng hữu nghị.
Nếu cứ vô tư đàn giữa phố cho bạn trẻ chắc ông sẽ nổi tiếng hơn trên mặt báo dòng chính qua những bài viết vô thường vô phạt, nhưng ông không dừng lại ở đó mặc dù nó an toàn và có thể được nhà nước bảo vệ. Ông vượt ra bên ngoài cái vòng tròn định sẵn để nói với người đối diện với ông rằng họ đang bị bao vây, bị bức hại phải sống trong không khí Bắc thuộc nếu ngay từ bây giờ họ không dám đứng dậy và lên tiếng cùng với ông những gì mà phương Bắc đang làm.
Ông lên tiếng bằng tiếng đàn, và ông lên tiếng bằng lời nhạc đã được sửa đổi.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-crumbs-of-a-street-violin-ml-11142015073043.html/1324197563-400.jpg/@@images/53609770-1078-4ccd-872a-0071b3078dcf.jpeg
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải trong lần biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2011. Citizen photo.
Người chung quanh cho rằng đó là nhạc chế. Người suy nghĩ rộng hơn lại cả quyết rằng ông đang mơ được trở lại cái ngày mà trước đây hơn 40 năm ông chưa biết tới nhưng khi đã biết thì Saigon như một người tình dễ thương, chung thủy khó thể chia xa. Người Saigon yêu bài quốc ca của họ thì bây giờ ông chọn note nhạc của bài quốc ca ấy để gắn vào tính chất thời sự đang làm cho Việt Nam nhức nhối: vụ án Đoàn văn Vươn:
“Đoàn Văn Vươn ơi, anh hùng nước Việt nơi đấy. Một lòng vùng lên liều thân chống bọn cướp nước. Lừng danh vang nước Nam, lòng dân bao sướng vui làm cho quân Bắc Kinh cùng tay sai cướp ngày. Hoàng Sa thay cho bây mưu kế. Lừa dân mưu toan bịp thế giới. Đập tan áp bức bóc lột bất công còn đám quan tham hết hồn khiếp vía diệt hết lũ bán nước loài lang sói kia! quân cướp ngày ác tham ngập máu xương người. Văn Vươn ơi vùng lên diệt cướp ngày, Văn Vươn ơi kiên cường bất khuất cùng chin mươi triệu dân kết riêng vùng lên đấu tranh giành lấy quyền sống con người…”
Lời bài hát đơn giản như người nông dân Tiên Lãng nhưng cái hồn nhạc mà người Sài Gòn từng cùng nhau hát vang mỗi sáng thứ Hai đã làm tinh thần Đoàn Văn Vươn trỗi dậy. Cũng chính những bài hát loại này đã kéo người nhạc sĩ đường phố Tạ Trí Hải ngày càng gần đám đông thanh thiếu niên vốn vô tư không một giây để ý tới những thay đổi chính trị chung quanh, nó cũng kéo người đấu tranh gần lại với nhau qua những note nhạc có lửa này.
Và nó cũng kéo theo sự chú ý ngày một thù hằn hơn từ nhà cầm quyền, nhất là khi ông công khai hát những ca khúc hải ngoại bị cho là phản động, những ca khúc từng là tác nhân đẩy những người nghệ sĩ sáng tác nó vào tù.

Ngày chờ đợi đã tới

Cái ngày mà ông chờ đợi đã tới. Cái ngày quyết định số phận cây vỹ cầm cũ kỹ từng theo ông trong nhiều năm suốt cuộc hành trình âm nhạc đã tới. Với ông là vết thương trên tay cùng những thứ giúp âm thanh của ông vang xa bị vất xuống hồ Hoàn kiếm. Với chiếc đàn, đó là ngày trở về với cát bụi và lời than van réo rắt của nó vĩnh viễn bị chôn vùi.
Kẻ gây án là một gã trai cao to thường theo đuôi ông mỗi khi ông trình diễn. Lần này hình như anh ta đã được phép làm những điều mà thú tính trong con người anh ta thúc giục hàng ngày: tiêu diệt người nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải.
Ông già đầu bạc với giọng hát sang sảng ấy vẫn không hết sang sảng khi kể lại việc chiếc đàn của ông bị khai tử, ông cho biết:
“Sau khi chuyện xảy ra 4 tay công an cơ động nó đến nó nói với tôi đã bắt được nó, thế bây giờ bác đến đồn công an để khai báo đi. Thế tôi mới bảo bắt được nó thì bây giờ nó ở đâu? Chúng mới bảo nó không có ở đây. Thế tại sao lại thả chúng nó? Nó trả lời là không được quyền bắt. Cả một lũ dối trá bịp bợm thế thôi, chúng nó si-nhan nhau để cho thằng này thoát mà.
Sau đó một số anh em biết tin kéo đến và có lội xuống hồ lấy được cái âm-li cùng một số dụng cụ khác ở dưới hồ gươm, cả bao đàn này nọ nó vứt hết tất cả. Về sau một xe công an đến thì chúng nó lặng thinh, nó đến một lũ. Lúc ấy tôi đứng đó tôi chửi toáng lên chúng nó. Mọi tối thì công an dày đặc còn hôm nay không biết tại sao chúng mày lặn đâu hết cả, đây có phải là cái trò chúng mày bày trò này ra để khủng bố tao không?
Tôi vạch ra hết! Tôi bảo tất cả lũ này, cái việc làm này là hành động tay sai bán nước chứ không có gì khác, tôi hiểu chúng nó lắm. Một năm nay rồi thằng trung tá công an, Phó đồn công an Hàng Trống hai năm trước tôi đã chửi vào tận mặt cho bàn dân thiên hạ biết bây giờ nó lên chức trưởng đồn công an thì cũng là ván cờ của chúng nó thôi. Nó trả đũa mình và nó thừa cơ kỳ vừa rồi Tập Cận Bình nó sang nó có nhiều cay cú bây giờ nó xử lý mình, có thế thôi.”
Bạn vong niên của nghệ sĩ Tạ Trí Hải rất đông có đủ mọi thành phần xã hội. Một số dân oan và người biểu tình khi nghe tin ông bị côn đồ phố cổ hành hung đã tới nơi để bảo vệ cho ông mặc dù đã quá muộn. Blogger Phương Bích, người lên tiếng khá sớm nói với chúng tôi về việc này:
“Hoàn toàn bác ấy không hề viết bài cũng không hề lên tiếng chỉ kéo đàn nhưng cũng hành hung ông ấy thì thế lực này đối với âm nhạc cũng trở thành kẻ thù.
Bác ấy hay sáng tác những bài hát coi như hát chế giống như các bài đồng dao. Tức là từ những bài rất là bình thường, những bài trước đây như bài quốc ca chẳng hạn thì ông ấy chế lại cho phù hợp với hoàn cảnh bây giờ thì nó làm cho chính quyền này nó tức giận nó trả thù bằng cách đó.
Hình ảnh của bác ấy dù bên trong thế nào chăng nữa nhưng bên ngoài thì luôn luôn được nhìn như người nghệ sĩ đường phố mà trong các cuộc biểu tình thì hình ảnh này khá đẹp nó cũng là cái mà làm cho họ tức giận nên em cho đấy là một cách trả thù thôi. Nhưng mà nó lại mang một cái tinh thần mới, một hơi thở mới làm cho người dân, người đấu tranh người ta rất phấn khởi mà ngược lại thì nhà cầm quyền rất tức giận. Vì chẳng có luật nào bắt bác ấy được mà phải dùng cái biện pháp ấy.”
Biện pháp mà Phương Bích nói cũng nằm trong khái niệm mà anh Lã Việt Dũng một thành viên trong nhóm NO U đồng tình:
“Tôi nghĩ là công an Hà Nội lúc này đang trong giai đoạn chuyển giao giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Trong khi chuyển giao thì có thể việc tùy cơ của họ từ trên xuống dưới không được chặt chẽ lắm như người ta thường nói là thượng bất chính thì hạ tất loạn và tôi nghĩ rằng ở dưới đang rất là loạn cho nên khi cụ Tạ Trí Hải đánh đàn ở bờ hồ thì thường xuyên có những người đi theo phá quấy.
Họ chưa bao giờ ra tay và lần này có thể vì như vậy nên họ không sợ bị cấp trên đe nếu mà họ ra tay hay ra lệnh cho một người ra tay. Hoặc đây là chỉ đạo từ bên trên đề có thể làm xấu hình ảnh NO U của anh em chúng tôi. Vừa qua thì như anh biết khi Tập Cận Bình sang Việt Nam thì anh em chúng tôi đã đi biểu tình chống Tập Cận Bình rất quyết liệt. Có thể họ bị một cái gì đó từ đâu đó tôi không biết, có thể từ phía Trung Quốc hay từ bên trên mà họ phải thực hiện các biện pháp lên anh em chúng tôi, có hai khả năng như vậy.”
Cái người thanh niên to cao nhưng lại dùng sức vóc ấy tấn công một cụ già có lẽ cũng khó tìm ra bởi công an, mặc dù cụ nhạc sĩ biết rõ mặt anh ta như biết rõ lòng bàn tay của mình, anh Lã Việt Dũng kể:
“Cụ Tạ Trí Hải cụ biết rõ người đấy. Bây giờ mà nói đem ra làm chứng thì không khó nhưng cụ chỉ nói cậu ấy là người thường xuyên được công an bảo kê cho việc theo quấy rầy cụ mỗi lần cụ chơi đàn ở bờ hồ.”
Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy cho rằng việc này gói gọn trong âm mưu bịt miệng người chống Trung Quốc bằng biện pháp khủng bố, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng bác Hải là người chỉ biết kéo đàn suốt ngày thôi. Lúc nào anh em đi biểu tình chống Trung Quốc hay anh em đi đấu tranh thì bác ngồi ở bờ hồ hay chỗ công cộng nào đấy bác kéo đàn. Bác kéo những bản nhạc nói về tinh thần yêu nước, thậm chí những bản nhạc của Trúc Hồ, của anh em tù nhân sáng tác trong tù. Những bài hát chống Trung Quốc làm cho nhiều kẻ không thích, nó khó chịu và nó bố trí người đánh. Tôi nghĩ rằng hiện nay nạn côn đồ hành hung những người chống Trung cộng hiện nay có dấu hiệu rất là táo tợn trước đây đã như vậy rồi nhưng mà dộ này những vụ ấy xảy ra nhiều hơn. Có lực lượng thân Tàu nó chỉ đạo làm những việc như vậy.”
Đâu đó khắp nước người tỏ lòng thương yêu quý trọng ông không ít, trong đó có nhà báo Phạm Việt Thắng. Bài thơ “Người nghệ sĩ già và cây đàn Violon” như một cách bày tỏ cảm xúc của ông đối với nhạc sĩ:
Người nghệ sỹ già nua
Bị đánh gãy tay và ném đàn xuống nước?
Người nghệ sỹ luôn đi đầu dậy trước
Trong mọi cuộc xuống đường
Bị “côn đồ” tấn công?
Không!
Côn đồ không nỡ đánh ông
Người nghệ sỹ già lặng lẽ
Réo rắt lời núi sông!
Tiếng đàn ông, tiếng đàn ông!
Vọng từ thuở hồng hoang mở cõi
Vọng hào khí Đông A, tiếng hô vang từ muôn vàn bô lão
Vọng từ Trường Sơn, lộng gió Biển Đông.
Tiếng đàn ông, tiếng đàn ông!
Khúc bi ca hát ru người ngã xuống
Cho đất nước hồi sinh
Lời hùng tráng hiệu triệu người đứng dậy
Vì đất nước quang vinh.
“Côn đồ” đánh ông gãy tay ư?
Tay sẽ khỏi!
Đàn bị ném xuống hồ ư?
Đàn mới thay!
Người nghệ sỹ già và những ngón tay còn lại
Cùng dòng người vô tận, hát mãi lời núi sông…
Phạm Việt Thắng
Cây đàn dù đã nát tan, đã vĩnh viễn về với cát bụi nhưng nó đã thực hiện đúng những điều mà người đóng nó ao ước: mang âm thanh đánh thức rung cảm của người nghe. Niềm rung cảm lớn nhất có lẽ bên cạnh tình yêu đôi lứa ra còn có rung cảm của tình yêu đất nước vốn thường trực và sâu thẳm trong lòng từng người một trên quả đất này…

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-crumbs-of-a-street-violin-ml-11142015073043.html