Đơn vị tôi, dù đã tạo được những chiến thắng lẫy lừng trong suốt Mùa Hè
Đỏ Lửa 1972, để có một “Kontum Kiêu Hùng” và giữ vững được Tây Nguyên,
nhưng có chiến thắng nào lại không phải trả giá bằng máu xương chiến sĩ.
Để kịp thời đối phó với tình hình chiến tranh leo thang, ngày một khốc
liệt, đơn vị cần được khẩn cấp bổ sung quân số, từ cấp đại đội trưởng
cho đến khinh binh. Số lượng sĩ quan, hạ sĩ quan tốt nghiệp ở các quân
trường không đủ, nên Bộ TTM phải ban hành kế hoạch “đôn quân”, đưa những
quân nhân phục vụ lâu năm từ các tiểu khu, các quân trường, trung tâm
huấn luyện, ra bổ sung cho các đơn vị tác chiến đang thiếu hụt quân số.
Tháng 5-1973. Thời gian này tôi đang đảm trách một phần hành tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Trong lần đơn vị tiếp nhận một số khá đông sĩ quan và hạ sĩ quan, tôi bất ngờ nhận ra trong số những người đang xếp hàng trình diện ông Trung Đoàn Trưởng có một người bạn học khá thân và một vị giáo sư thời trung học ngày xưa. Thằng bạn mang cấp bậc đại úy – tôi đã biết từ trước, nhưng điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên là ông thầy chỉ mang cấp bậc trung sĩ nhất. Thoáng có một chút ngờ vực, tôi bước tới gần ông hơn để chắc chắn là trí nhớ của mình không tệ lắm.
Tháng 5-1973. Thời gian này tôi đang đảm trách một phần hành tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Trong lần đơn vị tiếp nhận một số khá đông sĩ quan và hạ sĩ quan, tôi bất ngờ nhận ra trong số những người đang xếp hàng trình diện ông Trung Đoàn Trưởng có một người bạn học khá thân và một vị giáo sư thời trung học ngày xưa. Thằng bạn mang cấp bậc đại úy – tôi đã biết từ trước, nhưng điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên là ông thầy chỉ mang cấp bậc trung sĩ nhất. Thoáng có một chút ngờ vực, tôi bước tới gần ông hơn để chắc chắn là trí nhớ của mình không tệ lắm.
Chờ thủ tục trình diện xong và sau
khi ông Trung Đoàn Trưởng dặn dò vài điều cần thiết, tôi chạy đến ôm
chầm lấy người bạn và kéo đến gặp ông thầy còn đang đứng ngơ ngác trong
hàng. Thằng bạn không nhớ ông thầy, có lẽ nó chỉ học với ông một vài
tháng ngắn ngủi. Và dường như ông thầy cũng chưa nhận ra tôi, nên vội
đứng nghiêm đưa tay lên chào. Tôi kéo cả hai người vào một căn hầm lớn
được dùng làm Trung Tâm Hành Quân, nơi tôi đang làm việc.
Đỗ Bê, bạn tôi, quê ở trên Thành – Diên
Khánh. Học cùng lớp với tôi những năm đệ nhất cấp bên trường Văn Hóa.
Lớn hơn tôi một tuổi, đẹp trai, tính tình hiền lành và rất hiếu học. Bê
và người bạn cùng quê, anh Phan Ái Minh, cũng là bà con họ hàng, thuê
một căn nhà nhỏ ở sau khu đình Phương Sài trọ học. Tôi thường đến đây
chơi với Bê, nên sau này cũng trở nên thân thiết với Minh. Sau khi đỗ
trung học, Bê và tôi cùng vào đệ tam trường Võ Tánh. Bê học Ban A còn
tôi Ban C. Phan Ái Minh thì học ở đây từ trước và trên bọn tôi một lớp.
Sau này, cả ba thằng đều đi lính. Phan Ái Minh vào Khóa 20 trường Võ Bị
Đà Lạt, còn Bê và tôi vào Thủ Đức. Minh nhập học Võ Bị trước một năm
nhưng ra trường sau tôi sáu tháng. Ra trường Minh được bổ sung về cùng
trung đoàn với tôi, nhưng khác tiểu đoàn. Một tháng sau, khi tôi còn
đang hành quân trên Lâm Đồng thì nghe Minh tử trận ở Lạc An. Hai đứa đã
hẹn nhau trong hệ thống vô tuyến, để rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp
lại.
Đỗ Bê vào Thủ Đức sau tôi một khóa.
Ra trường được bổ sung về làm huấn luyện viên tại Trung Tấm Huấn Luyện
Lam Sơn – Dục Mỹ. Sau đó, tôi chỉ gặp Bê một lần duy nhất vào cuối năm
1970, khi bạn tìm đến thăm tôi đang nằm điều trị vết thương tại Quân y
Viện Nguyễn Huệ, mang cho tôi ít đồ dùng, một xâu nem Ninh Hòa và mấy
lon bia. Bê dìu tôi ra chiếc ghế đá phía sân sau, vừa uống bia vừa nghe
tôi kể chuyện chiến trường. Thấy tôi hành quân vất vả, bị thương mấy
lần, nó an ủi, bảo là số nó nhiều may mắn hơn tôi.
Thầy tôi, giáo sư Hồ Đắc Huế, là
ông thầy đầu tiên khi tôi bắt đầu bậc trung học. Năm 1958 tôi thi rớt
vào lớp đệ thất trường công lậpVõ Tánh. Ngôi trường nổi tiếng vùng duyên
hải miền Trung. Buồn và xấu hổ với đám bạn bè cùng quê, nhất là hối hận
vì đã làm cha tôi thất vọng. Thời ấy ở quê tôi chưa có trường trung học
nào. Chưa biết phải làm gì thì một buổi chiều, sau khi đi làm về, cha
tôi cho biết có một giáo sư từ trường trung học Bồ Đề Nha Trang ra Vạn
Giã, quê tôi, mở trung học tư (cũng mang tên Bồ Đề), nhưng trước khi
niên học bắt đầu vào mùa thu, ông sẽ mở một khóa Hè đặc biệt dành cho
các học sinh trung học. Điều đặc biệt bất ngờ hơn, cha tôi bảo là thời
gian đầu ông sẽ trọ ở nhà tôi, vì chưa tìm được nhà để thuê. Ông tên Huế
và cũng là người gốc Huế, bà con họ hàng với người bạn thân của cha tôi
ở Nha Trang, cũng là một ông thầy giáo gốc Huế khác. Chính ông giới
thiệu thầy và nhờ cha tôi giúp.
Không biết là thầy có những bằng cấp gì,
nhưng ông dạy rất nhiều môn, từ Việt Văn, Pháp Văn đến Toán, Lý Hóa.
Môn nào thầy dạy cũng hay, đặc biệt thầy nói tiếng Pháp nghe cứ như Tây.
Sau này tôi mới biết là thầy từng du học ở Pháp. Nghe tiếng của thầy,
học trò kéo đến học rất đông. Học phí thấp. Biết đứa nào nhà nghèo thầy
chỉ lấy tượng trưng.
Thầy khá đẹp trai, mái tóc bồng
bềnh và đôi mắt thật buồn. Trông thầy có dáng dấp một nghệ sĩ hơn là ông
thầy giáo. Có hai điều giống cha tôi là thầy rất thích đánh cờ tướng và
hút thuốc liên tục. Dường như lúc nào tôi cũng thấy có điếu thuốc trên
tay thầy. Và cả hai người đều hút Bastos xanh. Cứ mỗi lần tôi đi mua
thuốc cho cha tôi thì thầy nhờ mua thêm cho thầy mấy gói. Cha tôi dành
cho thầy căn phòng lớn nhất trong nhà, có cửa ra vườn sau. Khu vườn nhỏ
chỉ trồng mấy cây cam và một vòm hoa giấy. Có lẽ lúc ấy tôi còn con nít,
nên thầy chỉ thường ngồi đánh cờ và tâm tình với cha tôi. Nhưng buổi
tối, những lúc thầy ngồi đàn hát phía sau vườn, tôi được thầy gọi cho
ngồi nghe và bảo tôi “chấm điểm những bài hát của thầy”. Thầy hát rất
hay những bài do chính thầy sáng tác, hoặc phổ từ những bài thơ của
thầy. Hầu hết là những bản nhạc buồn. Giọng trầm và tha thiết. Thầy
nhìn vào xa xăm và hát như là đang trút tâm sự cùng ai đó chứ không phải
cho tôi nghe. Ban đầu tôi cứ tưởng tôi là thính giả duy nhất của thầy,
nhưng sau này tôi mới bất ngờ khám phá một điều, có một người đàn bà trẻ
thường xuất hiện sau vườn nhà tôi, phía bên kia hàng rào dâm bụt, trong
những đêm thầy ngồi đàn hát.
Không biết là vì đẹp trai hay hát
hay, mà thầy đã làm xiêu lòng người góa phụ trẻ có nhan sắc. Tôi biết
chắc điều này, vì bà đã “hối lộ” tôi mấy lần để đưa cho thầy mấy bài
thơ, và dặn dò tôi không được cho ai biết, kể cả cha tôi. Nghe nói bà là
vợ của một ông cán sự Nông Lâm Súc làm việc ở Hiệp Hội Nông Dân, bị tử
nạn giao thông trên Đèo Cả, chỉ sau một tháng làm đám cưới. Bà là cô
giáo dạy trường huyện, ở xa tới, hình như là Phan Rang hay Đà Lạt gì đó,
thuê nhà phía sau nhà tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy có mấy ông thầy giáo
trẻ đồng nghiệp và cả mấy ông Hiến Binh mũ đỏ lai vãng trước nhà bà.
Một hôm thầy đột ngột dọn ra khỏi
nhà tôi, sau khi nói chuyện với ba tôi. Thầy sang tá túc bên hông chùa,
nằm ngay phía sau trường Bồ Đề, lúc ấy chỉ có ba phòng học. Cha tôi ngạc
nhiên, vì trước đây thầy cho biết thầy ăn mặn và sống hơi phóng túng,
ngại làm phiền nhà chùa nên mới đến trọ ở nhà tôi. Sau khi tôi tiết lộ
chuyện những bài thơ của người đàn bà trẻ phía sau nhà, cha tôi tròn mắt
rồi gật đầu bảo có lẽ đó chính là lý do thầy dọn đi. Trong những lúc
tâm tình, thầy thường nói với cha tôi, thầy rất sợ đàn bà.
Mãn khóa Hè, thầy ghé lại nhà tôi,
thăm và cám ơn cha tôi. Thầy khen tôi học khá, đề nghị nên cho tôi học
đệ lục thay vì đệ thất. Hơn nữa tuổi tôi cũng hơi cao. Cuối cùng trước
khi chia tay, thầy cho biết là sẽ rời quê tôi về lại Nha Trang, và có
thầy Trần Đức Trang, một vị giáo sư lớn tuổi, có kinh nghiệm về tổ chức
và hành chánh, ra thay thế thầy để thành lập và làm hiệu trưởng trường
Bồ Đề Vạn Ninh, nhưng không phải bắt đầu từ niên khóa này mà phải chờ
đến niên khóa tới, vì các thủ tục chưa hoàn tất kịp. Do đó, tôi phải
khăn gói vào Nha Trang. Và theo sự khuyến khích của thầy, thay vì bắt
đầu lớp đệ thất, tôi vào học lớp đệ lục trường Văn Hóa, ngôi trường tư
thục mới mở ở đầu đường Quốc Lộ 1, gần nhà chú tôi, nơi tôi trọ học.
Bẵng một thời gian hơn hai năm tôi
không gặp thầy, mặc dù nhiều lần lên trường Bồ Đề Nha Trang hỏi thăm
thầy, nhưng không ai biết. Có người bảo thầy đã về Huế, có người lại bảo
đang dạy ở Sài Gòn. Bỗng một hôm tôi bất ngờ thấy thầy xuất hiện trong
văn phòng trường Văn Hóa, nơi tôi đang theo học. Gặp lại nhau, thầy trò
mừng lắm. Thầy bảo từ Sài Gòn mới về lại Nha Trang và sẽ dạy môn Sử Địa
cho các lớp đệ tứ và đệ nhị, thay cho thầy Nguyễn Mậu, vừa đắc cử vào
Hạ Nghị Viện. Tôi nhảy cỡn lên vui mừng, vì tôi đang học lớp đệ tứ, sẽ
được học với thầy. Thầy chỉ cho tôi đường đến nhà thầy và bảo cuối tuần
ghé lại chơi. Thầy thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm lớn, phía trước
trường đi xuống Rộc Rau Muống. Ngôi nhà khá xinh xắn, khang trang. Khu
vườn nhỏ phía sau trồng đầy hoa cúc và một hàng rào phủ kín hoa tigôn.
Một ngày cuối tuần tôi đến thăm
thầy, bất ngờ gặp một chị bạn cùng lớp đang ngồi đánh cờ tướng với thầy.
Chị bạn mới vào học năm đệ tứ, cũng gốc Huế, là một người con gái đẹp,
nhưng lúc nào cũng u buồn, nhất là đôi mắt. Chị có vẻ lớn tuổi hơn bọn
tôi. Trong lớp thường ngồi im lặng, không thân thiết và đùa giỡn với bất
cứ ai, kể cả nữ sinh, nhưng ai cũng quý chị. Tôi ngồi xem ba ván cờ.
Không biết thầy có nhường hay không nhưng chị bạn tôi thắng cả ba bàn.
Lần đầu tiên tôi biết có một người con gái giỏi cờ tướng như vậy. Và
cũng lần đầu tiên tôi thấy được nụ cười của chị. Lần sau đến thăm thầy,
tôi lại gặp chị, đang ngồi hát cho thầy đệm đàn. Khung cảnh thật lãng
mạn. Hết bản nhạc, thầy đứng lên treo cây đàn trên vách, đi lấy thêm một
cái tách nhỏ, mời tôi cùng ngồi uống trà. Loại trà Huế có mùi thơm rất
đặc biệt. Trông hai người khá tâm đắc. Tôi ái ngại khi phải xen vào cái
không khí yên ả và tình tự của hai người, nên viện nhiều lý do để không
đến thăm thầy nữa.
Khoảng hơn một tháng sau, chị bạn
nghỉ học. Chúng tôi đọc trên báo mới biết chị vừa đóng vai chính một
cuốn phim khá nổi tiếng. Nghe nói, khi thực hiện bộ phim này, ông đạo
diễn Lê Hoàng Hoa không tìm được tài tử nào thich hợp để thủ vai chính.
Một hôm ghé lại Nha Trang, lang thang một mình trên bãi biển, bất chợt
ông bắt gặp ánh mắt u buồn của một cô con gái đang ngồi một mình nhìn về
cõi xa xăm, tĩnh lặng và đẹp như một bức tượng, không hề biết có ông
đang đứng thật gần. Ông lặng yên khá lâu rồi xin phép được nói chuyện.
Cô con gái lưỡng lự, gật đầu. Ông đạo diễn đã tìm được một người lý
tưởng để thủ vai chính cho cuốn phim đắc ý của mình. Cuốn phim nói về
một cuộc tình buồn, có nhiều cảnh đóng ở Nha Trang. Ông đạo diễn muốn
thực hiện một bộ phim để kỷ niệm nơi ông đã sinh ra, mặc dù sau đó ông
đã sống những ngày tuổi thơ và lớn lên ở Huế.
Bộ phim đã làm cho khán giả tốn nhiều
nước mắt, qua khuôn mặt xinh xắn và đôi mắt u buồn rất thật của cô gái
Huế thủ vai chính. Bộ phim thu nhiều lợi nhuận cho đạo diễn và nhà sản
xuất. Nhưng người thủ vai chính không bao giờ còn xuất hiện. Cô đã
uống thuốc độc quyên sinh. Hôm đám tang, thầy Huế dẫn cả lớp đệ tứ
chúng tôi theo sau quan tài tiễn đưa chị về cõi vô cùng. Đám tang thật
buồn. Thầy Huế mang kính đen, nhưng tôi có cảm giác phía trong đôi kính
ấy đong đầy nước mắt. Báo chí có đề cập đến cái chết của chị, người
“tài tử” bất đắc dĩ rất tuyệt vời này, nhưng không ai biết chính xác lý
do vì sao chị phải tìm cái chết, ngoài những tin đồn.
Một lần nữa, thầy bỗng dưng biến
mất. Không ai gặp thầy ở Nha Trang. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Mậu,
chuyên dạy Pháp văn, phải tạm thời thay thầy, dạy môn Sử Địa lớp tôi để
kịp kỳ thi trung học. Và cũng từ hôm ấy tôi không biết tin tức gì về
thầy Huế, và trong lòng cứ mãi băn khoăn bao điều không hiểu được, về
thầy.
Hôm nay, ở một nơi chẳng một ai
muốn hẹn, tôi bất ngờ gặp thầy. Thầy lại mang đến cho tôi thêm một điều
khó hiểu: tại sao thầy chỉ là trung sĩ 1? Tôi khui hộp bánh trong khẩu
phần lương khô (Ration C) và làm ba ly cà phê “dã chiến” mời thầy Huế
và bạn Đỗ Bê uống mừng cuộc trùng phùng. Nghe thầy cứ gọi thưa chúng
tôi bằng cấp bậc, tôi ôm vai thầy:
– Bất cứ trong hoàn cảnh nào, hai
thằng chúng em cũng luôn là học trò của thầy. Xin thầy cứ gọi chúng em
là em như thưở nào, chỉ ngoại trừ khi phải đứng trước hàng quân. Trong
cảnh dầu sôi lửa bỏng này, em rất thèm được nghe có người gọi mình là
em.
Thầy nở nụ cười rồi lưỡng lự gật
đầu. Lâu lắm gặp lại nhau, có bao nhiêu điều muốn hỏi, nhưng thấy ánh
mắt lo lắng của hai người khi nhìn ra khung cảnh đổ nát chung quanh còn
ngổn ngang các xác xe tăng bị cháy, tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe và gia
đình. Điều thắc mắc nhất là cái lon trung sĩ 1 của thầy, nhưng việc này
khá tế nhị nên tôi cũng không dám hỏi. Thầy bảo thầy thuộc quân số
Tiểu khu Tuyên Đức hơn năm năm nay nhưng may mắn được nằm trong toán phụ
trách trông coi các biệt điện của Vua Bảo Đại để lại ở Đà Lạt. Có lệnh
đôn quân, cần 20 hạ sĩ quan bổ sung gấp cho Sư Đoàn 23, tất cả hạ sĩ
quan đều phải bắt thăm. Ông là một trong số 20 người “không may mắn”
đó. Tôi bảo sẽ cố gắng giúp hai người bằng tất cả khả năng của mình.
Thầy Huế thì dễ dàng hơn để xin sắp xếp vào một ban tham mưu nào đó ở
Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, còn bạn Đỗ Bê với cấp bậc Đại úy, rất khó, hơn
nữa theo lệnh ông Tư Lệnh Sư Đoàn, phải bổ sung tất cả sĩ quan cho các
tiểu đoàn tác chiến, mặc dù Bê chưa có một kinh nghiệm chiến trường nào.
Tôi nhớ tới khả năng làm thơ, soạn
nhạc và đàn hát của thầy Huế ngày xưa, nên đi gặp anh Thiếu Tá Trưởng
Khối CTCT xin anh nhận thầy về làm việc với anh. Tôi cũng giới thiệu
với anh, ông là thầy cũ rất đáng kính của tôi thời trung học. Nể tình
quen biết, anh Thiếu tá theo tôi đến Ban Quân số, xin nhận Trung sĩ 1 Hồ
Đắc Huế về Khối CTCT. Thầy nắm tay tôi ái ngại, bảo là không muốn làm
phiền tôi, và cũng không muốn người chỉ huy nghĩ là thầy nhờ tôi gởi
gấm. Tôi ôm vai thầy bảo là khả năng của thầy rất xứng đáng để làm việc
ở Khối CTCT. Sau này, thầy cho biết là anh Thiếu Tá Trưởng Khối đối xử
rất tốt với thầy. Tôi không nhận thầy về làm việc với tôi, vì muốn
tránh gây sự khó chịu cho thầy và cả cho tôi.
Người bạn Đỗ Bê thì được bổ sung về
Tiểu Đoàn 1. Tôi gặp ông Trung Đoàn Trưởng trình bày trường hợp Đỗ Bê,
là bạn học và từ khi ra trường Thủ Đức, anh chưa giữ chức vụ tác chiến
bao giờ nên đề nghị không đưa Bê ra làm đại đội trưởng tác chiến, mà nắm
đại đội chỉ huy của Tiểu Đoàn 1, đang khiếm khuyết, để có thời gian làm
quen với chiến trận.
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 là
Thiếu Tá Phan Văn Khánh, từ binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt (giải tán) mới
thuyên chuyển về. Anh Khánh tốt nghiệp Khóa 12 VBĐL, nhưng vì phục vụ
trong Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, thời chính phủ Ngô Đình Diệm,
dưới quyền Đại tá Lê Quang Tung, nên sau ngày 1.11.63, anh bị đám tướng
tá đảo chánh bắt giam, và sau này còn gặp nhiều rắc rối. Khi mới về
Trung Đoàn, anh tạm thời ở Bộ Chỉ Huy, chưa được giữ chức vụ gì. Biết
anh là một niên trưởng, rất tư cách, lại có gia đình ở Nha Trang, nên
tôi rất kính trọng và thân thiết. Tôi giới thiệu Bê với anh và nhờ anh
giúp đỡ, chỉ vẽ cho Bê thời gian đầu ở đơn vị tác chiến. Chỉ hai tháng
sau, anh Khánh cho biết Bê rất tư cách, sớm thích nghi, can đảm và có
khả năng lãnh đạo chỉ huy, nên anh đã đề nghị đưa Bê lên làm tiểu đoàn
phó thay cho người tiền nhiệm vừa bị trọng thương vì đạn pháo kích của
địch. Hơn nữa, so với các đại đội trưởng, Bê có cấp bậc thâm niên nhất.
Sau cuộc hành quân, khi Tiểu Đoàn về dưỡng quân tại khu Phương Hòa,
bên bờ sông Dakbla, tôi ghé lại thăm Bê, mừng và khen nó. Tôi mời anh
Khánh và Bê ra tiệm Thiên Nam Phúc ăn thịt rừng uống rượu.
Thầy Huế được đề cử làm Trưởng Ban
Văn Nghệ kiêm Hạ Sĩ Quan Tâm Lý Chiến. Trong hoàn cảnh này, thầy có vẻ
tạm hài lòng với công việc. Tôi thường đến thăm và đón thầy đi uống cà
phê mỗi khi có dịp về phố Kontum. Trong tâm tình, tôi được biết thầy
vẫn còn độc thân, và sau khi rời khỏi Nha Trang thầy về Sài Gòn, dạy một
vài trường trung học tư và một số giờ Pháp Văn ở Đại Học Vạn Hạnh.
Nhắc tới chị bạn cùng lớp xinh đẹp
có đôi mắt u buồn, đóng vai chính bộ phim nổi tiếng của ông đạo diễn Lê
Hoàng Hoa lúc trước, tôi hỏi thầy:
– Có phải chị ấy là người yêu của thầy và vì sao chị lại quyên sinh trong lúc cuộc đời đang đẹp?
Thầy cúi xuống, trầm ngâm giây lát rồi lắc đầu:
- Tội nghiệp, cô ấy là một người con
gái đặc biệt, tài hoa và rất đáng yêu, nhưng ông trời lại bất công, bắt
cô chết sớm. Cô có hoàn cảnh buồn và bị đau tim nên không muốn sống!
Đặc biệt cô rất giống người con gái tôi đã từng yêu. Phải nói là từng
say mê mới đúng!
Khi ngẩng đầu lên, thầy lấy cặp kiếng cận ra và lau nước mắt. Tôi hỏi thêm:
– Có phải vì vậy mà thầy không lấy vợ? Thầy rất nghệ sĩ và đào hoa, em tin là có nhiều cô con gái yêu thầy.
Bỗng tôi khựng lại, khi thấy thầy lắc đầu:
– Tôi chỉ có một người yêu, người
con gái mà tôi từng say mê đó! Nhưng khi tôi học bên Pháp thì cô ấy bỏ
tôi đi lấy chồng.
Và đột nhiên thầy hỏi lại tôi:
-Em có biết cô ấy lấy ai không?
Tôi im lặng. Thầy bảo:
– Cô lấy em trai tôi. Chính vì vậy mà sau khi ở Pháp về, sau lần dự đám cưới em tôi, tôi không bao giờ trở về Huế nữa.
Tôi khá bất ngờ, câu chuyện gợi cho tôi sự tò mò:
– Chắc thầy buồn và trách cô ấy lắm?
– Buồn, đương nhiên, nhưng trách
thì không. Vì lỗi tất cả là ở tôi. Giữa cô ấy và đi du học, tôi đã
chọn du học. Tôi chấp nhận trả giá cho sự ích kỷ và ngu xuẩn ấy của
mình, không ngờ cái giá lại quá đắt. Còn em tôi, không biết nhiều về
tình cảm mà tôi đã dành cho nàng, vì lúc ấy tôi muốn giấu ba tôi, ông
rất nghiêm khắc và lúc nào cũng muốn tôi phải tập trung vào việc học.
– Vì cái giá ấy mà thầy không bao giờ lấy vợ?
Ông im lặng một lúc rồi lắc đầu:
- Hồi ấy tính như vậy, nhưng rồi cuối
cùng có lẽ tôi cũng sẽ lấy vợ. Lần này lại là một người khổ vì tôi.
Tôi không thể ích kỷ và ngu xuẩn thêm một lần nữa. Người con gái, à
quên, người đàn bà đó có thể em còn nhớ.
Định nói thêm điều gì nữa đó, nhưng ông khựng lại:
– Nhưng thôi, tôi đã từng có một kinh nghiệm khá đau đớn, nên chuyện gì chưa xảy ra, không thể nói trước được.
Tôi thầm nghĩ, hóa ra cuộc đời ông
thầy này có quá nhiều chuyện kỳ lạ. Tôi lại nhớ tới cấp bậc trung sĩ 1
của ông, nhưng rồi không dám hỏi. Nhiều lần tôi nghĩ, có thể ông sinh
hoạt trong nhóm sinh viên Phật tử Ấn Quang ở Trường Vạn Hạnh, có tiếng
thân Cộng, chống chính phủ, nên gặp rắc rối? Tôi đã có gặp anh Trưởng
Ban 1 (Quân Số) để xin được xem qua hồ sơ quân bạ của ông, trong đó chắc
chắn có ghi rõ mọi lý do. Nhưng hồ sơ của thầy gởi theo đường Quân
Bưu, chưa đến. Tôi đang chờ.
Bất ngờ, Thiếu Tá Phan Văn Khánh
được điều động sang một trung đoàn khác để giữ chức vụ trung đoàn phó.
Bạn tôi, Đại úy Đỗ Bê, tiểu đoàn phó của anh, được chỉ định xử lý
thường vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1. Trong một chuyến bay tiếp tế,
tôi đáp xuống bộ chỉ huy tiểu đoàn chỉ để kịp bắt tay khen và tặng một
chai Black and White mừng nó lên chức.
Hai tuần sau, trong một cuộc chạm
súng với một tiểu đoàn địch, Tiểu Đoàn 1 của Bê được hai trực thăng võ
trang của Phi Đoàn Lạc Long 229 yểm trợ, đã tạo một chiến thắng vẻ vang.
Đánh tan đơn vị địch, tịch thu trên 60 vũ khí đủ loại và bắt sống 8 tù
binh. Ngay sau khi trận chiến vừa kết thúc, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn
đáp xuống vị trí ngợi khen đơn vị, gắn cho Bê anh dũng bội tinh với
nhành dương liễu và cho làm Quyền Tiểu Đoàn trưởng. Tôi gọi máy chúc
mừng và bả0:
-Bắc Bình ơi! “Con bò tứ” (lon thiếu tá) đang ở trước mặt mày đó!
Khoảng hai tháng sau, tin tức tình
báo cho biết, có một sư đoàn Cộng quân từ miền Bắc mới xâm nhập, đang
có mặt ở Pleiku, gần biên giới Miên- Việt.Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh
Quân Đoàn dự đoán Pleiku, nơi đặc bản doanh Bộ Tư Lệnh QĐ II, sẽ là mục
tiêu tấn công qui mô của địch. Trung Đoàn chúng tôi được điều động xuống
Pleiku, trách nhiệm phòng thủ trên tuyến vòng đai cách tỉnh lỵ Pleiku
khoảng 20 km hướng tây nam. Bộ Chỉ Huy chúng tôi đóng tại Căn Cứ 801,
nằm phía tây QL 14 khoảng 10 km, và cách Hàm Rồng cũng khoảng hơn 10 km
đường chim bay. Tiểu đoàn 1 của Bê hành quân tảo thanh bên ngoài, cách
căn cứ chừng 5 cây số về hướng biên giới. Một hôm, khoảng 10 giờ sáng,
trong một cuộc tao ngộ chiến với một lực lượng địch, Bê bị hứng trọn
một quả B-40, tử thương tại chỗ. Xác Bê được đưa thẳng về QYV Pleiku.
Tôi thẩn thờ khi nghe tin Bê chết.
Chết một cách bất ngờ và tức tưởi. Trên chiến trường, nhiều cấp chỉ huy
từng tạo nên bao chiến thắng hiển hách nhưng cuối cùng lại chết vì một
viên đạn vô tình, không đáng.Tôi theo trực thăng CNC của ông Trung Đoàn
Trưởng bay đến QYV. Thân xác Bê đầy những vết thương đang còn bê bết
máu. Đôi mắt chưa khép hẳn.
Tôi vuốt mắt Bê mà nước mắt tôi đổ
xuống, đầm đìa. Điều cuối cùng tôi có thể làm được cho Bê, là xin
phương tiện để sớm đưa Bê về nguyên quán. Tôi hình dung đến vùng quê Gò
Cam, Diên Khánh hiền hòa, ngôi nhà mái ngói đỏ và những người trong gia
đình Bê mà tôi bao lần đến đó, gặp gỡ. Tôi cũng nhớ tới Phan Ái Minh
người anh em ở chung nhà trọ học với Bê lúc xưa, cũng là bạn thân của
tôi sau này, một con người tài hoa, đã hy sinh chỉ hơn một tháng sau
ngày tốt nghiệp từ Trường Võ Bị. Trong không khí yên lặng của khu nhà
xác bệnh viện, tôi mơ hồ như bên tai đang văng vẳng bài truy điệu của
chính vị Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị vang tiếng một thời: “Ôi! sự
nghiệp đang công đeo đuổi thôi đành gián đoạn nửa đường. Chí tang bồng
hằng mong thực hiện thôi cũng đành ôm hận ngàn thu.”
Tôi tìm thầy Huế báo tin Đỗ Bê tử
trận. Ông tròn mắt rồi bật khóc. Hôm nghe tin có phi cơ chở quan tài
của Bê về Nha Trang, thầy xin theo tôi và anh Thiếu Tá Trưởng Khối CTCT
ra phi trường để chào tiễn Bê lần cuối. Trước khi đi, tôi hỏi thầy có
muốn “hộ tống” quan tài Bê về Nha Trang cùng với anh sĩ quan CTCT của
Tiểu Đoàn 1, tôi sẽ xin phép cho thầy. Thầy vui mừng gật đầu, nhưng
thoáng một chút ái ngại. Tôi vỗ vai thầy, bảo yên chí, tôi sẽ xin anh
Trưởng Khối CTCT và anh Trưởng Ban 1 làm sự vụ lệnh cho thầy thêm một
tuần để thầy ghé về Đà Lạt thăm nhà.
Thêm một người bạn nữa ra đi. Cũng
ở Tiểu Đoàn này, trước đây một năm, tôi đã mất Đặng Trung Đức, Khóa 19
VB, một người bạn thân quý như anh em kể từ ngày hai đứa mới ra trường,
cùng làm trung đội trưởng cho một anh trung úy Khóa 16 VB rất tài ba.
Đức là một tiểu đoàn trưởng xuất sắc, đã lập nhiều chiến công hiển hách
trong Mùa Hè 1972. Và cũng chỉ mới 8 tháng trước, Trần Công Lâm , thằng
bạn thân thiết cùng khóa Thủ Đức, cùng trung đội SVSQ với tôi, (nó
giường trên tôi giường dưới), đã bỏ mình trên đỉnh Ngok Wang đèo heo gió
hú, khi đang nắm Tiểu Đoàn 3. Dẫu biết trong chiến tranh, sinh tử là lẽ
thường tình, nhất là thời gian này, chiến trường thật thảm khốc, con số
thương vong rất lớn, nhưng chứng kiến những cái chết trẻ của bạn mình,
lòng đau đớn tựa hồ như có trăm ngàn vết chém.
Quá thời gian 15 ngày trong sự vụ
lệnh, vẫn chưa thấy thầy Huế trở lại đơn vị. Anh Thiếu Tá Trưởng Khối
CTCT và cả anh Trưởng Ban 1 hỏi tôi mấy lần, như là một lời nhắc nhở,
bởi chính tôi là người xin phép cho thầy. Tôi bồn chồn lo lắng. Chẳng
lẽ thầy đào ngũ vì thấy quá khổ sở và nguy hiểm, nhất là bị ám ảnh cái
chết của Đỗ Bê, người học trò cũ cùng đến trình diện đơn vị một lúc với
thầy? Tôi không tin là thầy đã phụ lòng tốt của mình, nhưng trong hoàn
cảnh chiến tranh chết chóc này, điều gì cũng có thể xảy ra.
Đã đến hạn phải báo cáo đào ngũ
Trung sĩ 1 Hồ Đắc Huế. Được anh Trưởng Ban 1 cho biết và hỏi ý kiến,
tôi năn nỉ xin anh chờ thêm hai tuần nữa. Cuối cùng thầy tôi vẫn bặt vô
âm tín.
Một tuần, sau khi báo cáo đào ngũ
và lệnh truy nã đã gởi đi, bỗng một hôm anh Trưởng Ban 1 cho tôi biết,
có người đàn bà tìm đến hậu trạm Trung Đoàn (tại Hàm Rồng), đưa giấy
chứng nhận của Cảnh Sát, cho biết là Trung sĩ 1 Hồ Đắc Huế đã bị Việt
Cộng giết chết trên đường trở về đơn vị. Tôi lái xe xuống hậu trạm, chờ
cho bà làm thủ tục xong, tôi đến mời bà về Ban Xã Hội (nơi bà tạm nghỉ)
để xin phép được nói chuyện.
Gặp bà, tôi sửng sốt. Vì dù có
thay đổi ít nhiều với thời gian, và trên đầu quấn chiếc khăn tang, nhưng
tôi vẫn nhận ra bà chính là cô giáo, người góa phụ trẻ, từng có thời
thuê nhà ngay sau nhà tôi, và đã nhờ tôi đưa mấy bài thơ cho thầy Huế
phổ nhạc, nhưng đọc qua tôi biết đó là lời tâm sự bà muốn tỏ cùng thầy.
Bà cho biết, vì không tìm được
phương tiện quân sự khác, khi sự vụ lệnh đã hết hạn, nên thầy rất nôn
nóng, quyết định đi xe đò qua ngõ Nha Trang – Quy Nhơn. Xe bị một đám
Việt Cộng giả dạng lính mình, chặn ngay phía dưới Sông Pha. Bọn họ lục
soát xem giấy tờ, cướp hết tư trang vàng bạc của hành khách, bắt vào
rừng một số đàn ông và bắn chết ba người, trong đó có thầy.
Sau khi nhận ra tôi, bà tỏ ra thân
tình, gần gũi hơn, và có lẽ tôi là người để bà có thể trút hết tâm tư
đang đè nặng trong lòng. Bà đổi cách xưng hô:
– Chị là bạn và cũng có thể nói là
vợ chưa cưới của thầy Huế. Chị lên đây với giấy ủy quyền của bà cụ, mẹ
anh ấy. Bẵng đi một thời gian rất lâu, từ dạo nghe tiếng đàn và giọng
hát của thầy ở sau vườn nhà em, chị gặp lại thầy ở Đà Lạt, quê của chị
và nơi làm việc của thầy.
– Em không hiểu tại sao thầy không
là sĩ quan mà chỉ mang trung sĩ? Em thắc mắc điều này mà chưa dám hỏi
thầy – Tôi hỏi chị.
– Thầy có tâm sự việc này với chị.
Sở dĩ thầy không khai bằng cấp là để khỏi phải vào Thủ Đức. Thầy muốn
tránh gặp mặt vợ chồng người em trai, người làm đám cưới với cô nữ sinh
Đồng Khánh mà không hề biết là ông anh mình hết lòng yêu trước ngày đi
du học. Chú em vào Thủ Đức và khi ra trường được giữ lại làm huấn luyện
viên. Cô vợ thì xin được công việc trong một ngân hàng ở Sài Gòn,
nhưng nhờ vốn của cha mẹ cho, nên sang lại và làm chủ một câu lạc bộ
ngay trong trường Sĩ quanThủ Đức. Thầy Huế không hề trách em mình,
nhưng chú em đã buồn và khổ tâm vô cùng khi biết đươc điều này. Thầy
Huế muốn tránh gặp mặt vợ chồng chú em trai vì không muốn gây khó chịu
cho cô chú ấy và cả cho thầy. Sau đó, có một thời gian ông gần như mất
trí khi biết được tin cả hai vợ chồng chú em bị VC giết chết trong Tết
Mậu Thân cùng với ông cụ. Trước Tết chú em nghỉ phép dắt vợ về thăm gia
đình ở Huế. Riêng thầy, tìm mọi cách xin hoãn được một thời gian, đầu
năm 1967 thầy vào Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Ra trường may mắn được chọn
về Tiểu khu Tuyên Đức. Nhờ một người học trò cũ là một Phó Đốc Sự quen
thân với ông tỉnh trưởng giúp đỡ, thầy được bổ sung vào toán “quản gia”
cho mấy cái biệt điện của Vua Bảo Đại để lại. Công việc nhàn nhã, rất
ít khi phải mặc quân phục, nên rất ít người biết chức vụ hay cấp bậc của
thầy. Thầy xin dạy thêm ở một vài trường tại Đà Lạt, nên tiền bạc cũng
không thiếu. Anh mãn nguyện với công việc và rất mê Đà Lạt, nên không
có ý định thay đổi, cho đến khi phải bắt thăm và ra Sư Đoàn 23 này.
Tôi hỏi lại bà:
– Sao người học trò làm Phó Đốc Sự không giúp, giữ thầy lại.
– Cả ông tỉnh trưởng và ông Phó Đốc Sự cũng đã thuyên chuyển đi trước đó lâu rồi.
Tôi hỏi sang chuyện khác:
- Gia đình cha mẹ thầy vẫn còn ở Huế, và thầy được chôn cất ở đâu?
- Tết Mậu Thân, ông cụ và hai vợ chồng
chú em bị giết. Thầy còn hai cô em gái và cậu em trai út, tất cả đều đã
lập gia đình. Bà cụ không muốn ở chung với dâu rể, thấy thầy sống một
mình tội nghiệp, nên dọn vào Đà Lạt ở với trưởng nam. Chị vẫn thường
xuyên đến phụ giúp bà. Từ ngày anh Huế đổi ra Kontum, chị dọn về ở
chung với bà, bây giờ bà đã khá già. Khi sống thầy rất yêu Đà Lạt, nên
chị xin phép bà cụ an táng anh ở Đà Lạt. Dù chưa chính thức kết hôn,
nhưng chị xem anh ấy đã là chồng mình. Thêm một lần nữa chị để tang
chồng, mặc dù chị chỉ có một mối tình duy nhất trong đời, với anh ấy.
Người chồng trước lớn hơn chị nhiều tuổi, chị lấy cho vui lòng mẹ chị.
Khi ấy chị còn nhỏ quá, chưa biết tình yêu là gì và cũng chưa làm chủ
được mình. Khi ông ấy chết vì một tai nạn, chị thấy tội nghiệp cho ông
và cũng tội nghiệp cho chị.
Tôi mời chị dùng một bữa cơm chiều
ở một cái quán“dã chiến” phía trước, do vợ của một anh lính tài xế Biệt
Động Quân làm chủ. Tôi khoe ở đó có món cá kho tộ và canh chua nấu với
lá giang tuyệt lắm, nhưng chị bảo đã nhận lời dùng cơm và ở lại đêm với
các cô nữ quân nhân bên Ban Xã Hội.
Sáng hôm sau, tôi mời chị, anh
Thiếu tá Trưởng Khối CTCT và cô Trung úy Trưởng ban Xã Hội đi ăn sáng.
Phòng Không Trợ cho biết, có một phi đội trực thăng của Phi Đoàn Thần
Tượng 215 hoán đổi, sắp trở về lại căn cứ Nha Trang, chúng tôi đưa chị
lại bãi đáp, giới thiệu với anh phi công trưởng hợp đoàn, để xin cho chị
được tháp tùng.
Vẫy tay chào tiễn chị, trong lòng
tôi dấy lên bao nỗi ngậm ngùi. Một người bạn rồi một ông thầy ra đi.
Nhanh quá. Tôi nhớ đã từng hứa giúp họ hết lòng, nhưng quyền hạn và
khả năng của mình quá hạn hẹp mà chiến tranh thì lại khốc liệt, tàn nhẫn
vô cùng! Và những cuộc tình trong thời chiến tranh cũng sôi nổi, buồn,
và ngắn ngủi như đời một người lính chiến.
Phạm Tín An Ninh
http://phamtinanninh.com/?p=3115