VietNamQueHuongToi đọc
Mầm thơ ô trọc, từ nguyên thủy
Tịch mịch âm dương, một cõi người
( Ngọc Phi)1. Người ta không thể chỉ sống bằng những hòai niệm, dù người ta ấy là những thân phận lưu vong, những cái cây bị trốc gốc, đi quẩn đi quanh cũng lại chạm phải bốn bức tường của hồi ức. Nhưng khi thời tiết trở mùa, khi những chiếc lá vàng đang thi nhau rơi rụng báo hiệu thu sắp tàn và ngọn gió đã mang theo với nó cái hơi lạnh đến rùng mình thì những hoài niệm lại có lý do chính đáng để chiếm hữu những khoảnh khắc cô tịch của đêm khuya, làm đắng thêm vị chát của cốc rượu trăn trở mỗi khi nhìn những mùa của đất trời chuyền tay nhau quyền thống trị vạn vật muôn loài, như những viên cai ngục lạnh lùng trao và nhận đủ số lũ tù nhân có mặt trong những lần họp giao ca.
Những ngày cuối cùng của tháng Mười Một. Cũng là khi chiếc lá cuối cùng lìa khỏi cành. Thành phố ướt nhẹp vì những cơn mưa thu lún phún. Lạ lùng thay, trong cái ảm đạm buồn hiu của thời tiết tháng Mười Một, thứ thời tiết mà những người trẻ cứ ghét cay ghét đắng, tôi lại thấy mình thèm sống như chưa bao giờ được sống. Dù có lúc, nửa đêm ngồi mắt nhắm mắt mở bên bàn phím, đưa tay vuốt ve mái tóc nửa bạc nửa nâu xỉn mà tự hỏi : Ta đã làm gì đời ta từ bấy lâu ? Hay có lẽ vì hình ảnh tấm thân gầy đét chỉ có xương và da của một người thân nằm chờ chết trên giường bệnh khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến chính mình, đến giây phút mình cũng sẽ nằm như thế. Bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi. Càng đi gần hết con đường ( đời ), càng mong cho nó dài thêm ra. Âu cũng là cái lẽ thường tình của con người. Ham sống, sợ chết. Dù có lúc muốn bỏ quách cả trần gian mà đi. Rồi thì chiếc lá nào cũng phải lìa cành. Rồi thì ai cũng phải ra đi. Dù có tha thiết yêu thương trần gian điên dại này cách mấy. Chia tay chẳng phải là đặc tính của mùa thu đó sao ? Hình như tôi đã nén lòng để không thốt ra điều buồn bã ấy vào tai người bệnh. Em ra đi mùa thu. Mùa thu không trở lại. Lá úa khóc mùa thu. Đo sầu ngập tim tôi. ( Phạm Trọng – Em ra đi mùa thu ). Câu hát cũ dưng không chẩy về chỗ trũng nhất trong tâm hồn tưởng chừng đã khô khốc . Một người thân nằm đó đợi giờ lên đường về nơi miên viễn. Một mùa thu nữa đang trút lớp áo vàng để chuẩn bị thu mình ẩn náu cái giá lạnh của mùa đông đang xào xạc bước chân trên những lối đi ngập lá. Cuộc chia tay nào cũng có nước mắt.
Giờ đây, đứng co ro giữa buổi chiều xám xịt một ngày cuối thu, nhìn con đường vắng tanh vắng ngắt trước mặt, nghĩ đến giây phút tiễn người ( thân) ra đi ( mãi mãi ), tôi không biết liệu mình có còn chút nước mắt nào cho cuộc chia tay ấy không ? Và nếu có, liệu giọt nước mắt hiếm hoi ấy là cho người đi hay cho mùa thu đi, hay cho chính mình rồi cũng sẽ ra đi, sợ rằng khi ấy chẳng còn ai nhớ đến sự hiện hữu của một con người đã từng đến với đời này. Bỗng bật lên trong đầu câu thơ của người thầy học cũ mới đọc được, khi ông viết về một người thầy của mình. Đừng choàng hoa cho một người đã chết. Hãy yêu một người đang sống. ( Nguyển Xuân Hoàng _ Thầy tôi) Tôi muốn được nói thêm. Hãy yêu một người sắp chết. Và nếu người ấy chết đi, hãy mang đến đôi giọt nước mắt thay vì vòng hoa. Hoa sẽ khô dù là hoa vạn thọ. Nhưng nước mắt sẽ thấm thấu xuống tận lòng đất giúp thanh tẩy linh hồn. Nhiều lúc, tôi thấy mình thật may mắn. Vì đã không để lạc mất chút góc hồn cải lương rất đáng yêu từ những ngày thơ ấu. Nhờ vậy, đôi lúc tôi tìm được niềm vui ngay trong những hoàn cảnh đau buồn nhất. Tưởng tượng ra tôi đang thì thầm bên tai người bệnh rằng, thôi nhé, hãy an lòng ra đi, đừng bận tâm gì đến những bụi bậm của cuộc đời. Trường đời trăm vạn đường rẽ ngang , rẽ dọc. Nhưng đường nào rồi cũng sẽ dẫn đến huyệt sâu. Nhiều năm trước, chúng ta là những trẻ nhỏ háo hức vào đời. Nhiều năm sau, chúng ta đã là những ông già chậm chạp lê bước trên khoảng cuối của con đường đi ra khỏi cuộc đời. Mùa thu đã đến và cũng sắp đi. Điều an ủi là mình đã có cơ hội để dọn mình. Không như những kẻ chết bất đắc kỳ từ vì tai nạn xe cộ, vì chiến tranh súng đạn, vì trăm thứ bất trắc khác của xã hội con người.
Tưởng tượng ra khoảnh khắc rất cải lương ấy mà tôi muốn chảy nước mắt. Thứ nước mắt hạnh phúc vì biết rằng mình vẫn còn chảy được nước mắt.
2. Trong cái cảm hoài của một ngày cuối thu, một ngày cuối tháng Mười Một, tôi hiểu rằng cái khoảnh khắc âm âm u u của thời tiết ấy là cần thiết cho đời sống chộn rộn ồn ào. Như một nhạc sĩ nào đó đã từng nhận xét rằng, thật may mắn trong âm nhạc đã có những dấu lặng, dấu nghỉ. Nếu không, sẽ là một tai họa cho lỗ tai người nghe. Nhưng yên lặng, ngơi nghỉ để lấy sức cho cuộc tranh sống ngày mai hay yên lặng, ngơi nghỉ để đi dần vào cõi chết lại mang đến những tâm cảnh và tâm thức khác nhau. Thời gian gần đây, trong những dịp gặp gỡ bạn bè, điểm danh kẻ còn người mất, tôi đã thầm cám ơn những đấng thần linh khuất mặt vì thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe nâng ly rượu chát tiễn những mùa đi và đón những mùa về. Nhưng lẫn trong niềm hoan lạc mong manh ấy, tôi đã hình dung đến lúc mình không còn đủ sức để làm những điều mình muốn làm nữa.
Vì thế, có nhiều đêm buồn ngủ đến rã người, tôi vẫn chưa muốn lên giường. Chỉ sợ giấc ngủ lấy đi chút thì giờ hiếm hoi còn sót lại. Chỉ sợ cái mảnh sân con sau nhà đầy lá vàng chưa kịp hốt khiến lọn tuyết trắng xóa đầu mùa rơi xuống sẽ mất đi nét trong trắng tinh tuyền mà mỗi năm tôi có thể ngồi hàng giờ chiêm ngưỡng. Chỉ sợ trang viết dở dang chưa kịp hoàn tất, chưa kịp ký tên đề ngày, những bức thư chưa kịp hồi âm, những dự tính chưa kịp thành hình, những hẹn hò gặp gỡ chưa kịp thực hiện. Càng sống lâu, người ta càng hối hả. Càng thức khuya, tôi lại càng thấy đêm không đủ dài. Dẫu đó là cái đêm cuối thu buồn bã đầy trăn trở, ly rượu chát trên tay phải rót thêm nhiều lần.
3. Chỉ đến khi nhận ra sự may mắn của mình tôi mới chợt nhớ rằng mùa thu , tháng Mười Một, cũng là dịp để nói lên lời cám ơn . Cám ơn trời đất, cám ơn cuộc đời, cám ơn loài người. Được hay Thua cũng phải cám ơn. Còn hay Mất cũng phải cám ơn. Vì Được Thua, Còn Mất trong đời sống không có ý nghĩa gì hệ trọng khi mà người ta rồi sẽ phải buông hết để mà đi. Tương tự như vậy là sợi chỉ mong manh ngăn chia giữa hạnh phúc và khổ đau. Cái biên giới mỏng như một sợi chỉ ấy rất dễ dàng vượt qua. Một chút chuếnh choáng của chén rượu đêm tàn thu cũng đủ để một chân bên này bờ tuyệt vọng và một chân ở bên kia niềm vui của cái háo hức lên đường.
Bao nhiêu năm lặn hụp giữa những hệ lụy của phận người, cũng là bấy nhiêu năm tôi không quên cám ơn những hệ lụy ấy. Nhờ nỗi đau khổ, con người trở nên người hơn. Nhờ nỗi đau khổ, người ta mới biết trân trọng hạnh phúc. Nhờ nỗi đau khổ, người ta trân quý hơn sự hiện hữu của mình. Nhất là khi người ta phải đối diện với chặng cuối con đường. Chỉ tội nghiệp cho những kẻ nhận ra mình đang già đi mà cuộc đời thì vẫn còn trẻ mãi, mình đang chuẩn bị để kết thúc mà cuộc đời thì lúc nào cũng chỉ như mới bắt đầu. Cũng may, còn có vòng tay nhân hậu của những người thân thuộc nhất, những người nhìn mình không chỉ như một sinh vật biết ăn, biết thở, cái vòng tay ấy sẽ chìa ra cho mình trong những lúc mình cần đến nhất. Nếu không có vòng tay nhân hậu ấy, hẳn cõi người ta sẽ trở nên khủng khiếp biết chừng nào.
4. Tạ ơn cũng có nghĩa là bởi mang nợ nên mới tạ ơn. Nợ tình, nợ tiền, nợ cơm, nợ áo, nợ đời. Có những món nợ không chỉ nói hai chữ cám ơn thế là xong. Có những món nợ không cần đến hai chữ cám ơn mà tâm hồn vẫn cứ phơi phới. Có những món nợ xin được trả mà người cứ không nhận. Có những món nợ đã trả rồi, cả vốn lẫn lời, mà lòng sao vẫn không yên. Mà người vẫn cứ nhắc. Và cuối cùng, có một món nợ chỉ trả xong khi nhắm mắt. Đó là một sự tạ ơn toàn hảo. Vì từ nay mọi hệ lụy đã là cơn gió thoảng qua, cơn gió cuối thu xào xạc con đường ngập xác lá trước hiên nhà. Gió cuốn đi cả tờ lịch mỏng báo hiệu mùa Thu đã chết trong cái đêm cuối cùng của tháng Mười Một . Ước gì tôi biết được có bao nhiêu linh hồn giã biệt trần gian trong buổi tàn thu đầy thảng thốt.
T.Vấn
© T.Vấn 2008