lundi 7 septembre 2015

Aylan, nỗi đau của nhân loại!

Thi thể Aylan. Ảnh www.ibtimes.co.ukHình ảnh thi thể hai em bé người Syria trôi dạt vào bờ biển phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ đã được đăng và bình luận trên mọi phương tiện truyền thông toàn cầu. Nó như một cú sốc, một cái tát đau nhói vào lương tâm của nhân loại. Tờ The Guardian đã tóm tắt “Tất cả sự ghê tởm của thảm kịch nhân loại đang diễn ra dọc theo bờ biển châu Âu”.
Aylan Kurdi chỉ mới 3 tuổi. Bé cùng ba mẹ và anh trai Ghalib (5 tuổi) bỏ chạy cuộc chiến đầy bạo lực nơi quê nhà. Aylan, Ghalib cùng với người mẹ đã bị chết đuối khi con thuyền mong manh chở hàng chục người trên con đường tìm tự do bị chìm tại Địa Trung Hải. Thi thể Aylan nằm bên bờ biển, giữa những làn sóng nhỏ vỗ lăn tăn như thể đang đắm chìm trong một giấc ngủ an lành đã khiến cho mọi trái tim dẫu băng giá, dẫu có vô tình đến đâu cũng không thể thờ ơ và chạnh lòng. Tuổi thơ của Aylan và Ghalib lẽ ra phải là những chuỗi ngày vui vẻ, tung tăng đến trường, nô đùa cùng bè bạn, sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ…Nhưng không, các em không còn sự chọn lựa nào khác: ở lại trước sau cũng sẽ chết, liều mình vượt biển, may ra còn đôi phẩn trăm ít ỏi được sống!

Hình ảnh thi thể Aylan trôi dạt vào bờ biển mang đậm tính bạo lực và bất lực. Bạo lực khi phải đợi đến khi thấy thi thể của một em bé chết trên bãi biển mới có thể đánh động được lương tâm của mọi người. Cứ như trong tiềm thức chúng ta chưa bao giờ biết hay hiểu những thảm cảnh đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ mấy năm qua trên vùng biển Địa Trung Hải, nơi có hàng chục ngàn người đã bỏ mình trong những cuộc vượt biển tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bất lực khi đã rõ thảm trạng nhưng châu Âu nói chung và cả thế giới nói riêng vẫn không tìm ra một giải pháp khả thi nào để cứu giúp những người di dân vô tội đến từ những quốc gia độc tài, đang chìm trong biển lửa chiến tranh.

http://l.f30.img.vnecdn.net/2015/09/04/000-1441338339_660x0.jpg 

Bồi hồi nhớ lại hình ảnh một em học sinh người Syria trong lớp tôi từng dạy. Độ chừng 14-15 tuổi. Em vào lớp giữa năm học. Em có đôi mắt màu xanh biết và đượm một vẻ buồn u uất. Hành trình sang đến Thuỵ Sĩ của gia đình cô bé ngập tràn gian truân và hiểm nguy. Cái chết luôn rình rập mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ trong những tháng ngày lặn lội vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp để rồi được chấp thuận tỵ nạn tại Thuỵ Sĩ. Em học nhiều, thật nhiều, say mê ghi chép mọi điều, im lặng nghe giảng trong khi chúng bạn cứ chờ hồi chuông nghỉ giải lao. Em chỉ nói rằng em muốn tận dụng tất cả thời gian ở cái xứ sở thanh bình này để được học, được vui chơi, được khám phá ra những điều mà tuổi thơ của các em bị tước đoạt trong cuộc chiến đẫm máu tại quê nhà. Em kể về những cái chết tức tưởi, oan uất của những người thân trong gia đình, của một “cuộc sống” chỉ còn mang tính đối phó, chống chọi với thời gian để chờ chết. Của cả một dân tộc vô tội đang oằn mình dưới làn súng đạn giữa hai thế lực, một bên là chế độ độc tài đẫm máu của tổng thống Bachar el-Assad và bên kia là phe Hồi giáo cực đoan khát máu man rợ. Gần bốn năm qua, người dân Syria đang chết dần, chết mòn, không còn chút tương lai, hy vọng trong một đất nước bị tàn phá, huỷ diệt một cách khốc liệt trong sự thờ ơ của Cộng đồng quốc tế.
Nhìn cô học sinh người Syria miệt mài học tập, tôi không khỏi hình dung đến hình ảnh của làn sóng người Việt tỵ nạn cộng sản, của những thuyền nhân “boat-people” trong những năm 70, 80. Hàng triệu đồng bào của tôi cũng đã phải bỏ nước ra đi trên những con thuyền đơn sơ, tạm bợ, dễ vỡ, liều mình trên đại dương hung dữ để tìm tự do. Họ bỏ đi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, những kỷ niệm thân thương nhất của cuộc đời để tìm “tự do nơi cõi chết”. Gần 500’000 người Việt Nam đã bỏ mạng trong những cuộc vượt biển khổng lồ mà nhân loại chưa từng biết đến trong lịch sử thế giới cận đại. Biết bao mảnh đời éo le, biết bao thảm cảnh đau buồn đã xảy ra trong những cuộc vượt biển kinh hoàng ấy! Cái giá phải trả cho hơi thở của bầu không khí tự do lớn vô cùng. Nhưng khi bị dồn vào ngõ cụt, khi mà tương lai của cuộc sống bị đe doạ, khi không còn một chút tia hy vọng nào nơi cuối đường hầm thì bản năng sinh tồn lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, họ chọn sự ra đi. Bất chấp mọi hiểm nguy!
Và hơn bao giờ hết, tôi lại càng ngưỡng mộ, khâm phục những thuyền nhân Việt Nam của ngày hôm qua và những người di dân đang đánh đổi mạng sống của mình khi trốn chạy những vùng đất bất an của ngày hôm nay. Những kẻ đang ngày đêm vượt Địa Trung Hải dẫu biết cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Không đơn thuần chỉ là sự trốn chạy, mà trên hết là một lòng quả cảm, can đảm, dám đối đầu với mọi thử thách để được SỐNG!
Aylan và Ghalib, những thiên thần nhỏ bé trong một thế giới còn nhiều bất công và bạo lực. Nơi mà đã vào thế kỷ của máy tính, của trí tuệ thông minh nhân tạo, của một nền kinh tế phát triển, của sự đối thoại đa văn hoá, đa tôn giáo…nhưng con người ta vẫn không thể nào xoá bỏ được những hình ảnh tang thương của các cuộc chiến, của các xung đột mâu thuẫn về tôn giáo đang xảy ra hàng ngày. Và những làn sóng di dân ấy sẽ còn tiếp diễn ngay tại ngõ cửa của châu Âu, nơi vẫn tự hào tự cho là cái nôi của văn minh nhân loại, của tấm lòng nhân ái và bao dung…
“Thảm cảnh lớn nhất từ hơn 3 thập niên qua chính là những cuộc di dân khổng lồ bên cạnh những cuộc chiến tranh, những cuộc cách mạng về kinh tế và chính trị cũng như những sự kiện mang tính tàn phá như nạn đói, sự tinh chế sắc tộc và những mưu đồ lớn về quyền lực...”, Edward W. Said đã từng viết.
Aylan đã chìm trong giấc ngủ bên bờ đại dương. Hình ảnh đau thương của em sẽ làm thức tỉnh lương tâm của chúng ta. Em chính là biểu tượng của hàng triệu người di dân, đã trốn chạy sự nghèo khổ, đói khát, trốn chạy những chế độ chính trị độc tài bẩn thỉu đã và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại.
Trái tim đau thắt khi nghỉ về Aylan và Ghalib. Nhưng có lẽ nơi các em đang ở giờ đây mới chính là thiên đường. Trái đất này chỉ mang lại những ác mộng cho các em, hỡi những linh hồn nhỏ bé!
Lương tâm của nhân loại tiến bộ sẽ không thể nào quên các em!
Lausanne, 4/9/2015
Lâm Bình Duy Nhiên
© Đàn Chim Việt