Cựu phóng viên Arnold Issacs của tờ Baltimore Sun, Hoa Kỳ nằm trong
số làn sóng những phóng viên Mỹ cuối cùng đến Việt Nam để đưa tin về
cuộc chiến trong giai đoạn từ 1972 đến 1975. Ông là người đã rời Sài gòn
vào ngày 29 tháng 4 cùng với nhiều phóng viên nước ngoài khác.
Nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, phóng viên Arnold Issacs đã dành cho Việt Hà một cuộc phỏng vấn nhớ lại những năm tháng cuối của Việt Nam cộng hòa và những giây phút cuối của Sài gòn. Trước hết nói về bối cảnh cuộc chiến Việt Nam khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ đến Việt Nam để viết về cuộc chiến, phóng viên Arnold Issacs cho biết:
Vào tháng 6 năm 1972 là khi những cuộc phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đang được thành hình. Tôi nhớ không nhầm là vào tháng 4 và tháng 5, Bắc Việt đưa quân vào tấn công và chiếm lấy Quảng Trị. Họ cũng bao vây hai thủ phủ của hai tỉnh khác nhưng vào lúc mà tôi tới thì tình hình đã ổn định hơn và quân miền Nam đã tiến công lại. Đó là giai đoạn của cuộc chiến mà tôi bước vào.
Nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, phóng viên Arnold Issacs đã dành cho Việt Hà một cuộc phỏng vấn nhớ lại những năm tháng cuối của Việt Nam cộng hòa và những giây phút cuối của Sài gòn. Trước hết nói về bối cảnh cuộc chiến Việt Nam khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ đến Việt Nam để viết về cuộc chiến, phóng viên Arnold Issacs cho biết:
Vào tháng 6 năm 1972 là khi những cuộc phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đang được thành hình. Tôi nhớ không nhầm là vào tháng 4 và tháng 5, Bắc Việt đưa quân vào tấn công và chiếm lấy Quảng Trị. Họ cũng bao vây hai thủ phủ của hai tỉnh khác nhưng vào lúc mà tôi tới thì tình hình đã ổn định hơn và quân miền Nam đã tiến công lại. Đó là giai đoạn của cuộc chiến mà tôi bước vào.
Việt Hà: Khi ông đến Việt nam để đưa tin về cuộc chiến vào
năm 1972 và sau đó là hiệp định Paris, ông có cảm giác rằng cuộc chiến
sẽ sớm chấm dứt không?
Arnold Issacs: Bản thân hiệp định không thực sự giải quyết
được câu hỏi về cuộc chiến. Cho nên nó không cho cảm giác là sẽ có một
sự kết thúc. Nhưng tôi cũng không nghĩ là lệnh ngưng bắn sẽ hoàn toàn vô
hiệu lực như đã xảy ra. Cho nên trong một thời gian ngắn tôi đã nghĩ
cuộc chiến sẽ tiếp tục nhưng sẽ ở mức độ ít nghiêm trọng hơn và sẽ có
quá trình đàm phán. Tôi đã vui khi xung đột ít đi nhưng nó không kéo dài
bao lâu. Chỉ trong vòng 1 tuần sau đó, rõ ràng lệnh ngưng bắn đã không
thay đổi điều gì. Điều thực sự thay đổi chỉ là những buổi họp báo ngắn
hàng ngày. Trước đó họ thường nói là kẻ thù là bên bắt đầu những vụ gây
hấn, còn bây giờ thì họ nói kẻ thù là bên vi phạm lệnh ngưng bắn. Nói
chung là cũng giống nhau chỉ có từ ngữ là thay đổi.
Việt Hà: Một số người sau này nói rằng ngay sau khi hiệp
định Paris được ký, cuộc chiến dường như đã kết thúc đối với miền Nam.
Ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Arnold Issacs: Tôi không nhìn thấy như vậy. Cuối cùng thì nhìn
nhận của những người đó là đúng nhưng nó phải mất 2 năm để cuộc chiến
kết thúc. Bối cảnh là trận chiến lớn vào năm 1972. Đó là năm của những
trận chiến khốc liệt nhất. Đó là lý do cả hai phía đều mệt mỏi. Không
bên nào giành được thắng lợi thực sự mà họ muốn. Sự bế tắc vẫn duy trì
nhưng xung đột thì ở mức cao hơn. Thương vong của quân miền Nam cao hơn
so với tất cả những năm trước đó.
Nhiều đơn vị tinh nhuệ phía Nam không còn chiến đấu hiệu quả như
trước kia. Nhưng phía bên kia cũng chịu tổn thất tương tự. Đó là lý do
mà chúng ta có hiệp định. Cả hai bên đều ra những đòn mạnh nhất và đều
không thắng. Người ta có thể nói khác bây giờ nhưng đó là sự thật mà tôi
thấy. Tôi chắc chắn đã không nghĩ là cuộc chiến sẽ sớm kết thúc và tôi
có cảm giác là phía Bắc sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng kết cục của cuộc
chiến vẫn còn xa và nhiều người không nghĩ nó sẽ có kết thúc nhanh
chóng vào lúc đó.
Việt Hà: Nhưng vào giai đoạn đó, số lượng phóng viên Mỹ đến chiến trường Việt Nam cũng không nhiều như trước nữa…
Arnold Issacs: Những chuyện mà người Mỹ quan tâm là cuộc chiến
của người Mỹ. Họ muốn biết điều gì đã xảy ra với những người lính của
họ. Họ không quan tâm lắm điều gì xảy ra với người Việt Nam. Họ không
quan tâm lắm đến kết cục cuối cùng. Đến lúc đó người Mỹ chỉ bực tức khó
chịu, và không tin là cuộc chiến mang lại cái gì. Cho nên mối quan tâm
của người Mỹ giảm đi rất nhiều và báo chí phản ảnh điếu đó….Tôi nghĩ là
những tin đưa về cuộc chiến trên báo chí Mỹ cũng giảm. Báo mà tôi làm
việc vốn có phóng viên chiến trường ở Việt Nam nhưng chuyện về cuộc
chiến cũng không nằm ở trang đầu mà nằm ở trang 16. Và cũng không có
nhiều thảo luận tại Washington. Cho nên không có nhiều tin để đưa. Các
tranh luận toàn quốc cũng hết. Và công chúng Mỹ dường như chấm dứt nói
chuyện về cuộc chiến ngay sau khi quân Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam
theo hiệp định. Họ không còn muốn nói về cuộc chiến nữa.
Việt Hà: Đến lúc nào thì ông thực sự có suy nghĩ là kết cục đang đến gần?
Arnold Issacs: Sau khi quân miền Nam đã đi đến hạn mức của
mình trong phản công sau ngưng bắn và quân miền Bắc tấn công lại, dường
như không có ai nói đến tình hình kinh tế miền Nam lúc đó, nó cũng giống
như khủng hoảng kinh tế vào năm 1930. Nó bắt đầu với vụ mùa kém vào năm
1972, giá gạo lên cao. Mỹ rút và hàng trăm ngàn người Việt Nam mất
việc. Kinh tế miền Nam Việt nam lúc đó không có nhiều hoạt động.
Tôi nhớ một Bộ trưởng chính quyền miền Nam có nói về chúng tôi, những
người Mỹ như là một ngành kinh doanh du lịch và đó là sự thực. Nhiều
người Việt làm cho các căn cứ quân sự của Mỹ. Những việc làm đó bị mất.
Vào năm 1973 chúng ta có cấm vận dầu mỏ đầu tiên sau cuộc chiến ở trung
đông, giá dầu tăng gấp đôi trong vòng 2 tháng. Nó khiến giá cả hàng hóa
tăng. Nhiều hàng hóa của miền Nam là nhập khẩu và bị ảnh hưởng. Cho nên
người dân miền Nam phải trải qua một sự khó khăn về kinh tế thực sự.
Lương người lính không đủ đáp ứng nhu cầu gia đình họ…. đó là khoảng năm
1973 và 1974. Lính bỏ ngũ trong quân đội miền Nam cao và trong các năm
đó thì con số bỏ ngũ lên rất cao, đến con số 200,000 người bỏ ngũ, tức
là 1/5 sức mạnh quân đội.
Thật khó để miêu tả cảm giác của tôi lúc đó trước khi mà tôi biết
được điều gì sẽ xảy ra như bây giờ tôi biết…. Một mặt, vào khoảng giữa
năm 1974, tôi có cảm giác cơn sóng đang đi ngược lại miền Nam nhưng tôi
không thể tưởng tượng được một hình ảnh rõ ràng là một bên thắng và bên
kia hoàn toàn sẽ không còn tồn tại. Tôi không thể tưởng tượng được điều
đó cho đến khi cuộc tổng tấn công cuối cùng bắt đầu và quân miền Nam
rút. Nó bắt đầu vào giữa tháng 3 năm 1975 và chỉ khoảng 6 đến 7 tuần sau
đó Sài gòn sụp đổ.
Việt Hà: Ông rời Việt Nam vào ngày 29 tháng 4, ngay trước
ngày Sài gòn sụp đổ. Ông có bao giờ nghĩ là ông đã có thể ở lại để đưa
tin ngày cuối của cuộc chiến không?
Arnold Issacs: Tôi không sợ mình sẽ ở lại. Tôi không nghĩ là
mình sẽ gặp nguy hiểm cực kỳ nếu tôi nhỡ mất chuyến di tản. Quyết định
của tôi lúc đó là tôi làm những gì an toàn hơn cả và tôi đưa ra quyết
định nhanh. Tôi không ở cùng một vị trí như những người Việt Nam lúc đó,
những người phục vụ quân đội miền Nam hay chính quyền miền Nam hay làm
việc cho Mỹ. Họ lo sợ rằng họ sẽ bị truy tố, bị mất cuộc sống, hoặc bị
giết hại. Nhưng đó không phải là tình huống của tôi. Nếu tôi vẫn ở đó
khi quân cộng sản vào, tôi không nghĩ là tôi sẽ vẫn có thể gửi tin về
cuộc chiến. Lúc đó rất khó để đến được căn cứ không quân. Tôi đã nghĩ
mình sẽ bị kẹt ở khách sạn và bị giữ ở đó cho đến khi họ tống chúng tôi
ra khỏi Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ là mình sẽ bị giết hay giam giữ
trong tù nhiều năm. Tôi là người Mỹ và gia đình tôi không ở đó. Tôi biết
điều đó.
Việt Hà: Tin cuối cùng ông viết về cuộc chiến Việt Nam ông còn nhớ là tin gì không?
Arnold Issacs: Tin cuối mà tôi nhớ là Tổng thống Thiệu
từ chức vào ngày 21 tháng 4, 9 ngày trước khi kết thúc cuộc chiến. Vài
ngày sau, ông rời nước. Ông bàn giao chính phủ cho Phó Tổng Thống. Ông
Hương giữ chức thêm một tuần, trong khi đó quân miền Bắc tiến gần hơn
vào Sài gòn. Cuối cùng vào ngày 28 ông Hương từ chức và giao quyền cho
Dương Văn Minh, người được coi là lực lượng thứ 3, không đại diện cho
chính quyền Sài Gòn hay cộng sản.
Tôi theo dõi những diễn biến đó. Tôi vào dinh và không có quân lính
canh gác. Chúng tôi chứng kiến ông Hương đọc diễn văn và từ chức và theo
dõi ông Minh đọc lời thề. Tôi viết tin và gửi tin đi. Ngay khi đó tôi
nghe thấy có tiếng nổ lớn. Quân cộng sản đã lấy được máy bay chiến đấu
vào đầu cuộc phản công, và có thể là một số phi công phía Nam đã ném bom
Tân Sơn Nhất. Đó là mở đầu của cuộc tổng tấn công cuối và Tân Sơn Nhất
bị ném bom, điều chưa từng xảy ra trước đó. Tôi không biết ngay điều gì
xảy ra vào lúc đó, nhưng sau đó bom tiếp tục ném xuống. Mặc dù căn cứ
không quân cách trung tâm thành phố 4 miles nhưng tôi nghe như rất gần.
Tôi có cảm giác được những rung chuyển do bom. Quân lính trong Sài Gòn
bắt đầu bắn súng lên trời. Chúng tôi không nhìn rõ mọi thứ vì nhiều
khói. Vào sáng sớm hôm sau, họ bắn vào sân bay. Cho nên tôi nghĩ tin
cuối về chiến tranh Việt nam mà tôi viết là tướng Minh nhậm chức.
Tôi có thể viết thêm một tin sau đó mà tôi không nhớ. Vào sáng hôm
sau, di tản bắt đầu. Cuối ngày hôm đó tôi ở trên tàu và tôi viết về cuộc
di tản. Nhưng chúng tôi không thể gửi tin đi. Không điện thoại di động
hay internet. Những phóng viên trên tàu đều giống tôi. Chúng tôi viết
tin trên tàu và giữ ở đó. Thuyền trưởng tàu hứa sẽ chuyển tin của chúng
tôi lên ban chỉ huy khi có thể và chuyển tin về Mỹ ngay lúc nào có thể
được. Cuối cùng thì tin mà tôi viết về cuộc di tản về đến Baltimore
khoảng 4 hay 5 ngày sau. Cho nên câu chuyện cuối cùng mà tôi viết từ
trên tàu và không được xuất bản cho đến vài ngày sau đó.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/an-american-journalist-recalls-sg-fall-vh-04282015152247.html