jeudi 7 mai 2015

Ngoại Ơi, Làm Sao Cứu Nước ? - Trần Văn Lương

nolscn1 

Dạo: Thù ngoài cũng bởi giặc trong, Diệt xong Việt cộng mới mong chống Tàu.
Ngoại Ơi, Làm Sao Cứu Nước ?
– Mình sắp mất nước phải không hở Ngoại,
Sao con nghe đồn đãi mấy ngày nay,
Rằng bọn Tàu đem chiến hạm, tàu bay,
Cùng quân lính trải dài theo biên giới.
Trong khi đó bạo quyền vì tư lợi,
Bắt bớ ai dám lặn lội xuống đường
Để tỏ lòng yêu tổ quốc, quê hương,
Và lên án bọn Bắc phương xâm lược.
– Con yêu dấu, theo những gì thấy được,
Thực tế thì mình mất nước từ lâu,
Kể từ khi đám Việt cộng cùng nhau,
Ký giấy bán cho Tàu nhiều năm trước.
Nhìn trong nước, chính quyền thì bạo ngược,
Còn dân thường chỉ muốn được giàu mau,
Bởi tham tiền, chẳng nghĩ trước nghĩ sau,
Nên mắc bẫy lái buôn Tàu lắm bận.
Người Việt hết còn khả năng nổi giận,
Cả ngày dài lận đận kiếm miếng ăn,
Chỉ cần đời bớt một chút khó khăn
Là mãn nguyện, chuyện xâm lăng mặc kệ.
Bọn quỷ đỏ làm hư bao thế hệ,
Trẻ suốt ngày chỉ kiếm kế ăn chơi,
Học không lo, miễn chạy chọt đúng người,
Trường ốc cũ biến thành nơi đổi chác.
Gái quê lớn mơ lấy chồng nước khác,
Trai tỉnh thành bệ rạc đến buồn nôn.
Khắp phố phường toàn lừa đảo, du côn,
Quan chức cũng chỉ rặt tuồng vô lại!
Buồn nhìn ra hải ngoại,
Kẻ nhờ “trời”, người bươn chải làm ăn,
Có chút tiền lại khoác áo đội khăn,
Thành đoàn lũ xăm xăm về hưởng thụ!
Đứa lắm bạc vênh vang lên làm chủ,
Mặc dân nghèo đang chịu đủ thương đau.
Và để thân được yên ổn sang giàu,
Lách cửa trước, luồn cửa sau hối lộ.
Có vài nhóm lại dở trò khả ố,
Tự xưng mình “trí thức” ở phương xa,
Thỉnh nguyện này, kiến nghị nọ tuôn ra,
Mong lũ ngợm ở quê nhà chiếu cố.
Tiền nhân đã bốn ngàn năm gian khổ,
Mồ hôi và máu đổ đã thành sông.
Chỉ vì nay Vẹm phản bội giống dòng,
Họa mất nước đau lòng không tránh được.
*
*     *
– Ngoại ơi Ngoại, làm sao mà cứu nước,
Khi chính mình quá yếu trước ngoại xâm,
Khi Việt gian luôn bắt bớ giam cầm
Những ai dám vạch trần ra sự thật.
– Con của Ngoại, việc phải làm trước nhất,
Là toàn dân phải lật được bạo quyền,
Phải cùng nhau can đảm đứng vùng lên,
Vì tổ quốc, quyết làm nên sự nghiệp.
Phải diệt hết lũ cầm quyền khốn kiếp,
Rồi mới lo tính tiếp chuyện chống Tàu,
Vì giấy tờ bán nước ký từ lâu,
Còn nguyên đó làm sao mình tranh cãi?
Chỉ khi đám Việt gian thôi tồn tại,
Mình mới hòng lấy lại được giang san.
Những công hàm có chữ ký Việt gian,
Lúc đó sẽ hoàn toàn là giấy lộn.
Phải hành động trước khi đà quá muộn,
Đừng hoài công mong mượn sức đồng minh.
Chỉ có mình mới thương đất nước mình,
Đừng tin tưởng đám mẹ mìn chính trị.
Đừng hy vọng chút gì nơi người Mỹ,
Hay trông chờ quốc tế sẽ ra tay,
Trong khi mình vẫn hờ hững vui say,
Quên quốc hận, ngày ngày lo du hí.
Phải ghi nhớ trong lòng cho thật kỹ,
Cuộc chiến này sẽ bền bỉ cam go,
Phải hy sinh đi một chút ấm no,
Phải chấp nhận vì tự do rơi lệ.
Phải cắt đứt tức thì nguồn ngoại tệ
Đã từ lâu khắp bốn bể tuôn về.
Ngừng vẽ vời lý lẽ để “thăm quê”,
Ngưng “du lịch”, dẹp trò hề “từ thiện”.
Và lúc đó, giặc không còn phương tiện,
Để đè đầu và chẹn họng người dân.
Nỗi hờn căm sẽ lớn tựa sóng thần,
Càn quét sạch một lần quân bán nước.
Nếu mình chẳng tự mình vùng lên được,
Để diệt ngay lũ cướp ở Ba Đình,
Thì dân mình sẽ mãi mãi điêu linh,
Và vĩnh viễn nước mình không còn nữa.
Trần Văn Lương
New York, 6/2014
*
*     *
https://lengoctuyhuong.files.wordpress.com/2015/04/quochan.jpg?w=810&h=570 

Dạo:
 Trở về thăm lại đảo hoang, Ngậm ngùi lối cũ, mênh mang lưới sầu.

Hoang Đảo Lối Về Qua
Bờ biển vắng, gió vờn buốt mặt,
Bóng người già héo hắt lặng câm.
Mấy mươi năm khóc âm thầm,
Cuối đời may được một lần về thăm.

Đảo tỵ nạn bao năm về trước,
Rộn rịp người bỏ nước ra khơi,
Ngày nay đã biến thành nơi
Cây rừng cỏ dại tranh phơi nắng tà.

Nhà tạm trú xưa đà đổ nát,
Bến tàu hoang bụi xác xơ bay.
Bùi ngùi khóe mắt chợt cay,
Người quen cảnh cũ giờ đây không còn.

Xác thuyền cũ mỏi mòn ngậm cát,
Khách năm nào tản mác nơi đâu.
Sương dày, nắng dạn, mưa sâu,
Từng manh gỗ mục lo âu ngóng chờ.

Mồ tập thể mờ mờ con số,
Hồn không tên buồn khổ lang thang.
Từ khi định mệnh lỡ làng,
Mịt mù tin tức, võ vàng người thân.

Bia tưởng niệm qua lần đục bỏ,
Ngẩn ngơ trong mưa gió phũ phàng.
Bước chân lữ thứ ngỡ ngàng,
Thương cho số phận trăm ngàn thuyền nhân.

Người sửng bước tần ngần trước mộ,
Nhớ lại thời khốn khổ đã qua.
Những âm thanh tưởng nhạt nhòa,
Bỗng trong phút chốc xót xa vang lừng.

Tiếng tở mở reo mừng huyên náo,
Khi con thuyền đến đảo bình an,
Người ôm hy vọng hỏi han,
Kẻ nghe tin dữ khóc than dậy trời.

Tiếng thổn thức của người thiếu nữ,
Sa tay bầy thú dữ Thái Lan,
Đành cam ngọc nát hoa tàn,
Khúc dây oan nghiệt xóa tan nợ đời.

Tiếng thét lẫn tiếng cười lạnh ngắt,
Của chàng trai bị bắt hồi hương,
Lưỡi dao rạch nát can trường,
Xác thân tạm gửi nhờ phương trời này.

Trong tiếng gió cuối ngày lồng lộng,
Tưởng còn nghe vang vọng câu thề:
– Ra đi quyết chẳng trở về,
Khi còn lũ giặc trên quê hương mình.
* *     *
Người sực tỉnh ngước nhìn biển rộng,
Biết nơi nào là bóng quê huơng.
Men theo kỷ niệm tìm đường,
Ngậm ngùi chỉ thấy đại dương thét gào.

Thăm chốn cũ, nghẹn ngào tê tái,
Thương những người sớm phải xuôi tay.
Đưa chân mong được có ngày,
Ngờ đâu xương trắng chốn này bơ vơ.

Dân Nam vẫn mong chờ trời sáng,
Bốn mươi lần đếm tháng Tư qua.
Tay run, chân mỏi, mắt lòa,
Con đường phục quốc vẫn xa tít mù.

Đất nước mất, mối thù chưa trả,
Nhưng lòng người sớm đã đổi thay.
Đuôi chồn đú đởn tung bay,
Xoay chiều đón gió loay hoay vầy đoàn.

Quê mẹ đó giờ toàn trái đắng,
Khắp cây cành trĩu nặng buồn đau.
Nơi nơi oán khí ngập đầu,
Nhọc nhằn tóc trắng, dãi dầu tuổi xanh.

Nhà giam lớn sặc tanh mùi máu,
Của những người theo dấu tiền nhân,
Gióng lên tiếng nói lương tâm,
Nên thầm gánh chịu đòn ngầm đớn đau
* *     *
Nhìn quá khứ, lệ sầu tuôn đổ,
Ngẫm tương lai, thống khổ đoanh tròng.
Mưa đông nắng hạ xoay vòng,
Nỗi hờn vong quốc mãi không phai tàn.

Buồn nghĩ chuyện giang san đất nước,
Biết làm sao đổi được cơ trời.
Tháng Tư rồi đó ai ơi,
Bao nhiêu nước mắt còn rơi trên đường.

Trần Văn Lương Cali, ngày Quốc Hận 2015


Những Dòng Thơ Mùa Quốc Hận của Trần Văn Lương 

ngtmqh 

MỤC LỤC
Bấm vào từng tựa bài để vào đọc