Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan
Thiết, mới qua đời ngày 4 tháng 8 vừa qua, cũng tại Phan Thiết. Trước
năm 1975, ở miền Nam, ông chỉ xuất bản một tập thơ duy nhất, Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972); sau năm 1975, sống trong nước, ông cũng chỉ in được một tập thơ, Ở đời như một nhà thơ Đông Phương
(1995), trong đó có khá nhiều bài thơ đã in trong tập thơ đầu. Như vậy,
Nguyễn Bắc Sơn làm thơ rất ít. Nhưng ấn tượng ông để lại lại khá lớn.
Theo lời kể của Võ Phiến, trước năm 1975, cả Doãn Quốc Sỹ lẫn Chu Tử đều
khen thơ Nguyễn Bắc Sơn “hay”. Bản thân Võ Phiến, trước năm 1975, trong
cuốn Chúng ta qua cách viết (1972), khen bài “Chiến tranh Việt Nam và tôi” là “tuyệt diệu” (trang 228); sau năm 1975, trong cuốn Văn học Miền Nam – Thơ (1999), tiếp tục khen phong cách thơ Nguyễn Bắc Sơn là “độc đáo” (tr. 2927). Ở hải ngoại, năm 2005, đọc lại thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà phê bình Đặng Tiến cũng khen là “hay”, là “tài hoa”, là “thốn tâm thiên cổ”, “tấc lòng lưu vọng ngàn năm”.
Riêng tôi, tôi chỉ đánh giá cao Nguyễn Bắc Sơn ở những bài thơ viết về chiến tranh. Những bài thơ khác của ông, có thể gộp chung vào chủ đề “đời thường”, từ những bài thơ viết cho bạn, cho vợ, cho đứa con mới chào đời hoặc cho chính mình đến những bài thơ bộc lộ những ngẫm nghĩ riêng tư về ý nghĩa cuộc đời, theo tôi, không có gì đặc sắc. Ở những bài thơ ấy, trí tưởng tượng không có gì phong phú; hình tượng không có gì mới lạ; tư tưởng không có gì sắc bén; ngôn ngữ không có gì độc đáo. Nguyễn Bắc Sơn chỉ là nhà thơ có bản lĩnh trong năm, bảy bài thơ viết về chiến tranh mà thôi. Có thể nói, ở miền Nam, trước năm 1975, hiếm có ai viết về chiến tranh mà để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và hay đến thế. Hay ở tâm tình: vừa u uất vừa kiêu bạc. Hay ở giọng điệu: vừa tha thiết lại vừa nghênh ngang bất cần. Hay ở ngôn ngữ: đầy tính chất văn xuôi, lại là thứ văn xuôi bụi bặm ngoài đường sá, nhưng được nâng lên thành thơ, thật thơ. Hay ở ý nghĩa: chúng phản ánh một thứ văn hoá chiến tranh rất đặc biệt ở miền Nam trước năm 1975 vốn khác rất xa thứ văn hoá chiến tranh khát máu ở miền Bắc với những “Hãy giết chúng như thiên thần giết quỷ” (Chế Lan Viên), những “ném lựu đạn cho người vui vật sướng” (Xuân Diệu), những “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ” (Tố Hữu) trong cùng một thời kỳ.
Dưới đây, tôi xin trích mấy bài thơ về chiến tranh tiêu biểu nhất của Nguyễn Bắc Sơn như những nén nhang tưởng niệm ngày ông vĩnh viễn ra đi.
MỘT TIẾNG ĐỒNG HỒ TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG HÀNH QUÂN
Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bãi mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào cuộc phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư.
MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG
Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
Ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.
Riêng tôi, tôi chỉ đánh giá cao Nguyễn Bắc Sơn ở những bài thơ viết về chiến tranh. Những bài thơ khác của ông, có thể gộp chung vào chủ đề “đời thường”, từ những bài thơ viết cho bạn, cho vợ, cho đứa con mới chào đời hoặc cho chính mình đến những bài thơ bộc lộ những ngẫm nghĩ riêng tư về ý nghĩa cuộc đời, theo tôi, không có gì đặc sắc. Ở những bài thơ ấy, trí tưởng tượng không có gì phong phú; hình tượng không có gì mới lạ; tư tưởng không có gì sắc bén; ngôn ngữ không có gì độc đáo. Nguyễn Bắc Sơn chỉ là nhà thơ có bản lĩnh trong năm, bảy bài thơ viết về chiến tranh mà thôi. Có thể nói, ở miền Nam, trước năm 1975, hiếm có ai viết về chiến tranh mà để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và hay đến thế. Hay ở tâm tình: vừa u uất vừa kiêu bạc. Hay ở giọng điệu: vừa tha thiết lại vừa nghênh ngang bất cần. Hay ở ngôn ngữ: đầy tính chất văn xuôi, lại là thứ văn xuôi bụi bặm ngoài đường sá, nhưng được nâng lên thành thơ, thật thơ. Hay ở ý nghĩa: chúng phản ánh một thứ văn hoá chiến tranh rất đặc biệt ở miền Nam trước năm 1975 vốn khác rất xa thứ văn hoá chiến tranh khát máu ở miền Bắc với những “Hãy giết chúng như thiên thần giết quỷ” (Chế Lan Viên), những “ném lựu đạn cho người vui vật sướng” (Xuân Diệu), những “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ” (Tố Hữu) trong cùng một thời kỳ.
Dưới đây, tôi xin trích mấy bài thơ về chiến tranh tiêu biểu nhất của Nguyễn Bắc Sơn như những nén nhang tưởng niệm ngày ông vĩnh viễn ra đi.
Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bãi mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào cuộc phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư.
MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG
Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
Ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.