vendredi 11 août 2017

70 năm Tình Ca Việt Nam - Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Dương Thiệu Tước (1915-1995) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam.
http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/duong-thieu-tuoc2.jpgDương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Ðình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Ðình Dương Khuê, nguyên Ðốc học Nam Ðịnh.
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, trong thập niên 1930 ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh. Ông vào miền Nam sinh sống từ năm 1954. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Ðài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy Lục huyền cầm/Tây ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc. Sau ngày miền Nam mất nước năm 1975, nhạc của ông bị cấm đoán và ông cũng bị mất chỗ dạy học tại trường Quốc gia Âm nhạc.
Vợ chính thất cũng là vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái đang sống tại Ðức và Hoa Kỳ.
Vợ sau của ông là Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao. Ông bà sống hạnh phúc trong 30 năm, có với nhau 5 người con là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh (ca sĩ hải ngoại), Vân Dung, Vân Hòa, Vân Khanh [1].
Sau năm 1975 do bệnh tật nên ông ở lại Sài Gòn. Năm 1978 bà Minh Trang cùng các con định cư ở nước ngoài.
70 năm Tình Ca Việt Nam - Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước 
Hoài Nam - SBS Radio (Australia)  

Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản
Ðầu thập niên 1980 ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh và được bà chăm lo cho tuổi về chiều.
Ông mất ngày 1 tháng 8 năm 1995 tại Sài Gòn. Gần đây, sau thời “đổi mới”, nhạc của ông đã được phép lưu hành lại trên cả nước Việt Nam.
Những sáng tác nổi tiếng tiêu biểu của ông là: Bóng chiều xưa (Dương Thiệu Tước & Minh Trang), Ðêm tàn bến Ngự, Dòng sông xanh, Khúc nhạc dưới trăng (Dương Thiệu Tước & Minh Trang), Chiều (thơ Hồ Dzếnh), Áng mây chiều, Kiếp hoa, Thuyền mơ, Tiếng xưa, Ngọc lan, Ơn nghĩa sinh thành v.v…
Trong chương trình 70 Năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam các kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu một số ca khúc tiêu biểu của các nhạc sĩ đi tiên phong như Dzoãn Mẫn, Ðặng Thế Phong, Hoàng Quý, Lê Thương, Văn Cao. Kỳ này, chương trình được tiếp tục với sự nghiệp tình ca của một trong các nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Trong kỳ đầu tiên, khi sơ lược về sự hình thành và phát triển bước đầu của nền tân nhạc Việt Nam, chúng tôi có nói tới bản Kiếp Hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, bản nhạc mà về sau đã được nhạc sĩ Lê Thương ghi nhận là ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh, trên thực tế các sáng tác của Nguyễn Văn Tuyên chỉ là những ca khúc đầu tiên được phổ biến, chứ chưa chắc đã là những ca khúc đầu tiên được sáng tác. Bởi vì vào thời gian ấy, ở ngoài miền Bắc, các nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam cũng đã sáng tác khá nhiều, nhưng chỉ phổ biến trong nội bộ nhóm nhạc của mình, cho tới khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc, phát động phong trào phổ biến tân nhạc vào năm 1937.
duong-thieu-tuoc3
Hai trong những nhạc sĩ đã bắt đầu sáng tác từ giữa thập niên 1930 là Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh của nhóm Myosotis. Myosotis cũng là tên ban nhạc do Dương Thiệu Tước thành lập thường hoà nhạc tại các tư gia để trau dồi nghệ thuật, đôi khi cũng trình diễn tại các rạp chiếu bóng trong các dịp làm nghĩa. Theo sự hiểu biết của một số người, hai bản Cô Lái ÐòTiếng Khóc Trong Phòng The  của Thẩm Oánh đã được nhạc sĩ viết vào khoảng năm 1936-37, riêng bản Tâm Hồn Anh Trao Em sáng tác đầu tay có lời Việt của Dương Thiệu Tước khi được xác định là viết vào năm 1936. Chúng tôi nhấn mạnh mấy chữ sáng tác đầu tay có lời Việt, bởi vì trước đó Dương Thiệu Tước đã sáng tác một số ca khúc và đã được Thẩm Bích, (bào huynh của Thẩm Oánh), đặt lời bằng tiếng Pháp, chẳng hạn 2 bản Joie d’aimerSouvenance.
Dương Thiệu Tước là một nghệ sĩ tài hoa, có thể nói là tài hoa nhất của thế hệ nhạc sĩ tiên phong. Trước hết nói về tài, ông không chỉ là một nhà soạn nhạc, mà còn là một danh cầm, sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau, mà nổi tiếng nhất và có lẽ không ai có thể sánh bằng, là tài đàn Hạ uy cầm. Chính ông đã sáng tác một bản không lời có tựa tiếng Pháp là Ton Doux Sourire dành riêng cho loại nhạc cụ này. Thính giả của Ðài Phát Thanh Sài Gòn năm xưa, hẳn vẫn còn nhớ tiếng Hạ uy cầm dìu dặt, ngọt ngào của Dương Thiệu Tước trong hai thập niên 1950, 1960, hằng đêm ru hồn người qua các tình khúc nổi tiếng như Bến Xuân, Suối Mơ của Văn Cao và bản Ngọc Lan của chính ông.

duong-thieu-tuoc
Bìa nhạc Đêm Tàn Bến Ngự
Là người chủ trương soạn nhạc theo âm điệu Tây Phương và chịu ảnh hưởng nhiều của loại nhạc khiêu vũ, nhưng Dương Thiệu Tước lại có hiểu biết sâu xa về loại nhạc dân tộc và có khả năng chơi đàn tranh, đàn bầu một cách điêu luyện. Tất cả những tinh hoa ấy đã được ông kết hợp lại để cho chúng ta những tác phẩm soạn theo cung điệu, thể điệu hoàn toàn Tây Phương, nhưng lại tạo ra những âm hưởng đặc thù của cổ nhạc dân tộc như bản Tiếng Xưa viết năm 1939, và sau đó là Ðêm Tàn Bến Ngự đã được xem như là hai trong số những tác phẩm để đời của ông.
Mời nghe: Đêm Tàn Bến Ngự – Dương Thiệu Tước-ca sĩ Hà Thanh.

Ca khúc Ðêm Tàn Bến Ngự mà quý vị vừa thưởng thức cùng với bản Tiếng Xưa, Kiếp Hoa đã được Dương Thiệu Tước viết theo thể điệu Tango Habanera, một thể điệu mà lúc ấy còn rất xa lạ với nền tân nhạc Việt Nam. Ngoài Tango Habanera, Dương Thiệu Tước còn là người đầu tiên sử dụng một số thể điệu khác của Tây Phương để soạn những ca khúc Việt Nam một cách tài tình, chẳng hạn bản Khúc Nhạc Dưới Trăng viết theo thể điệu Chacha. Nhưng dù viết theo thể điệu gì, viết về đề tài gì, nhạc của Dương Thiệu Tước cũng luôn mang dáng nét trau chuốt, hào hoa, lịch lãm và trang trọng, vì thế Phạm Duy đã xếp nhạc Dương Thiệu Tước vào loại nhạc quý phái cho nền tân nhạc Việt Nam.
Tiếng xưa-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Thanh Thúy
http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/duong-thieu-tuoc1.jpg
Thủ bút và chữ ký của Dương Thiệu Tước

Tới đây xin đi vào sự nghiệp tình ca của Dương Thiệu Tước.
Có người nói rằng, Dương Thiệu Tước chỉ sáng tác một bản nhạc tình là Bóng Chiều Xưa, nhưng thực ra, trừ một vài bản có chủ đề đặc biệt như Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành, hầu hết các ca khúc còn lại của Dương Thiệu Tước đều là tình ca như nhà thơ Nguyễn Ðình Toàn đã nhận xét trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, “Ngoại trừ bản Bóng Chiều Xưa, một tình khúc có vẻ như vì tình mà được viết ra, các ca khúc khác của Dương Thiệu Tước, tình thường là bối cảnh. Người ta không biết ông yêu người hơn hay yêu cảnh hơn? Cũng có thể vì ông yêu người, nên ông cũng yêu cảnh và ngược lại.”  Và theo suy nghĩ của chúng tôi, sở dĩ nhiều người không nhận ra cái chất tình trong các ca khúc của Dương Thiệu Tước, bởi vì tình của ông thiết tha mà nhẹ nhàng, đằm thắm mà kín đáo, chứ không say đắm lộ liễu, không chất ngất hạnh phúc, mà cũng chẳng tuyệt vọng nức nở, ai oán thảm sầu. Tình trong nhạc Dương Thiệu Tước là những lời thơ, những bức họa, mơ hồ bàng bạc trong ánh trăng, thấp thoáng đâu đó dưới sóng nước hay thẹn thùng e ấp bên luống hoa. Dường như, qua các sáng tác của mình, Dương Thiệu Tước đã thể hiện một nhân sinh quan hơi khác lạ, ông thích đứng ở vị trí một người thưởng ngoạn, hơn là hòa nhập vào cuộc đời. Dưới đây là một ví dụ:
Áng Mây Chiều-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Quỳnh Giao

http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/minh-trang.jpg
Minh Trang

Nếu trong nhạc tình của Văn Cao có một người đẹp huyền thoại là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, thì trong nhạc tình của Dương Thiệu Tước cũng có một người đẹp huyền thoại, đó là nữ ca sĩ Minh Trang. Ðiểm khác nhau là trước kia Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao chỉ một lần duy nhất, rồi về lên xe hoa, còn Minh Trang sau này ra Hà Nội hát lần đầu tiên, gặp gỡ Dương Thiệu Tước để rồi ở lại trao thân gửi phận một đời. Ðiểm giống nhau, là cả hai người đẹp huyền thoại này đều trở thành nguồn cảm hứng cho 2 tình khúc bất hủ trong nền tân nhạc Việt Nam. Bến Xuân của Văn Cao và Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước. Như chúng tôi đã trình bày, Dương Thiệu Tước là một con người tài hoa, nhạc của ông là nhạc quý phái. Giờ đây ông lại chọn Ngọc Lan, loài hoa quý phái nhất, để làm biểu tượng cho người tình, thì tác phẩm ấy phải là một sự kết hợp của mọi tinh hoa và sang quý. Cung điệu và nét nhạc của bản Ngọc Lan khiến người nghe liên tưởng đến một đoản khúc nào đó trong nhạc cổ điển Tây Phương, với tiếng dương cầm thánh thót dạo đầu, để giới thiệu tiếng vĩ cầm dìu dặt vươn lên. Chúng ta có thể nghe bản Ngọc Lan qua link này:
Mời nghe: Ngọc Lan-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Thái Thanh
 http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/duong-thieu-tuoc-va-minh-trang.jpg 
Dương Thiệu Tước và Minh Trang

http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/bia-nhac-ngoc-lan.jpg 
Bìa nhạc Ngọc Lan

Xưa nay người ta thường xưng tụng một đôi uyên ương xứng đôi vừa lứa là trai tài gái sắc, nhưng riêng trong trường hợp Dương Thiệu Tước – Minh Trang, có lẽ chúng ta phải gọi là, trai tài hoa, gái tài sắc, bởi vì Minh Trang có khá nhiều tài. Còn nhớ khoảng giữa thập niên 1960, khi không còn ca hát nữa, Minh Trang đã phụ trách chương trình Nhạc Cổ Ðiển Tây Phương Dẫn Giải trên đài phát thanh Sài Gòn, đem lại một món ăn tinh thần hiếm quý cho thính giả. Theo chúng tôi được biết, từ ngày miền Nam giành được độc lập từ tay người Pháp, đây là lần đầu tiên đài phát thanh Sài Gòn có một chương trình như thế. Nhờ đó, những người yêu nhạc mà không có cơ hội, phương tiện tìm hiểu thưởng thức,  trong số đó có chúng tôi, đã được làm quen với thế giới tuyệt vời và vô cùng tận của nhạc cổ điển Tây Phương. Trở lại với chuyện tình Dương Thiệu Tước-Minh Trang, nếu bản Ngọc Lan là lời tỏ tình của chàng, thì Bóng Chiều Xưa chính là sự hòa điệu của uyên ương nay đã thành đôi. Bóng Chiều Xưa không chỉ là sáng tác chung của Dương Thiệu Tước-Minh Trang mà còn được chính hai người Loan Phụng Hòa Minh trên đài Pháp Á vào thuở thanh bình xa xưa cũ. Cũng cần nói thêm, ngoài tài viết nhạc và trình diễn nhạc, Dương Thiệu Tước còn có tài ca hát dưới cái tên ca sĩ Vân Hải. Về phần nhạc, Bóng Chiều Xưa được viết theo thể điệu Tango chuẩn xác của vũ trường, mà những người yêu thích nghệ thuật khiêu vũ, chỉ cần nghe mấy nốt dạo đầu, cũng đã cảm thấy háo hức và nhún nhảy đôi chân. Thế nhưng, cũng qua bản Bóng Chiều Xưa, Dương Thiệu Tước đã lại một lần nữa cho thấy, trong khi luôn luôn theo khuôn mẫu của nhạc Tây Phương, ông vẫn có những nét đáng yêu độc đáo, mà chúng tôi xin được gọi là nét nhạc Dương Thiệu Tước. Cách đây 12 năm, Dương Thiệu Tước qua đời âm thầm tại Việt Nam, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông nói chung, tình ca nói riêng, vẫn mãi sáng chói và được đặt để một vị trí trân trọng nhất trong nền tân nhạc Việt Nam, và trong lòng người ái mộ. Mối tình huyền thoại Dương Thiệu Tước-Minh Trang sẽ được luôn ghi nhớ, bởi một chiều ái ân đã được đưa lên dòng nhạc ấy, không còn là của riêng hai người, mà là của bất cứ những ai đã từng yêu, và một đời mãi nhớ.

http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/bia-nhac-bong-chieu-xua.jpg 
Bìa nhạc Bóng Chiều Xưa
Bóng Chiều Xưa - Khánh Ly

Hoài Nam

Chú thích của Thanh Thư
Kể thêm về cảm hứng của Dương Thiệu Tước, khi ông sáng tác bài Ðêm Tàn Bến Ngự.
Trong một bài báo “Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và câu chuyện Ðêm Tàn Bến Ngự” của Thanh Ngọc, Thanh Ngọc kể:
“Lạ lùng thay, cũng trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có một chuyến rời Hà Nội đến Huế rồi vào Sài Gòn; để rồi từ Huế, âm nhạc Dương Thiệu Tước được chắp cánh bởi lời ca của một người con gái Huế, ca sĩ Minh Trang. Minh Trang là cháu ngoại của Bà Chúa Nhứt là chị ruột vua Thành Thái. Minh Trang từ nhỏ đã thuộc nhiều làn điệu dân ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Kìm Tiền, Lưu Thủy.
Những năm 40, tiếng hát của Minh Trang phát trên sóng phát thanh hay đến nỗi nhiều nhạc sĩ miền Bắc hồi đó đã gửi bài hát về nhờ ca sĩ hát, trong đó có các nhạc sĩ Vũ Thành, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Thẩm Oánh… và cả Dương Thiệu Tước. Rồi như duyên tiền định, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bất ngờ gặp ca sĩ Minh Trang trong một lần ca sĩ ra Hà Nội hát, mở ra một kết cục có hậu sau này cho cuộc tình nghệ sĩ.
Quay trở lại thời gian dừng chân ở Huế, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm rất nhiều làn điệu dân ca Huế. Cũng trong thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân tộc, trong đó có cả nhạc phẩm “Tiếng Xưa”, mở đầu cho nhiều ca khúc mang âm hưởng dân tộc sau này. Sau những ngày lênh đênh trên sông, Dương Thiệu Tước quyết định rời Cố đô vào Sài Gòn sinh sống.
Trước ngày lên đường, Dương Thiệu Tước được bạn bè tổ chức nhiều cuộc rượu tiễn đưa. Ðêm cuối cùng rời Huế, chiếu rượu giang hà ngập sương trăng được một người bạn bày ra trong một con thuyền trôi trên Bến Ngự. Cho đến khi vầng trăng hạ tuần lên đầu non về sáng, Dương Thiệu Tước chợt nhiên đứng dậy, ra đầu mũi thuyền ngồi một mình, mắt suy tư nhìn ra cửa sông mơ hồ bảng lảng. Nhạc hứng bỗng từ đâu giữa trời đầy trăng sao sông nước dâng lên, Dương Thiệu Tước vội vàng lấy giấy ra ghi lại ngay bên mạn thuyền. Nhạc sĩ viết một mạch xong ca khúc, trở vào khoang thuyền đặt bài hát vừa hình thành dưới ngọn đèn dầu và cất tiếng ca tặng bạn. Những người tham dự cuộc rượu tiễn đưa lòng ai nấy đều nao nao trong ánh trăng sáng ven trời. Dương Thiệu Tước hát xong liền đặt tên cho sáng tác mới này là “Ðêm Tàn Bến Ngự”.