Chắc ít người biết được cậu nhạc sĩ nghèo, vừa tròn 16 tuổi đã
nổi tiếng ngay với ca khúc thứ hai trong đời, bản “Nhạc Rừng Khuya” được
đón nhận một cách nồng nhiệt không ngờ.
Cali Today News - Tôi được anh Trần Việt Hải yêu
cầu đóng góp bài viết vào “Tuyển Tập Lam Phương” vào giờ thứ 25, tức là
thời điểm cuối cùng khi mà hầu hết bài vở của quý văn hữu hoặc thân hữu
khác đã gởi về đầy đủ để sách chuẩn bị lên khuôn.
Thời gian này cũng trùng hợp vào lúc mà chúng tôi đang chuẩn bị thu
hình cho chương trình ca nhạc thứ 77 của Trung tâm Asia với chủ đề
“Dòng nhạc Anh Bằng và Lam Phương” nên tôi chợt nghĩ hay là mình cứ chia
sẻ với mọi người những diễn biến chung quanh việc thực hiện bộ DVD đặc
biệt này đồng thời cảm tưởng riêng tư của mình đối với hai trong số các
nhạc sĩ khả kính nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
Thú thật mà nói, kể từ khi Việt Dzũng bỏ chúng ta ra đi, mỗi lần
chuẩn bị cho các chương trình thu hình của TT Asia tôi đều cảm thấy có
phần nào bối rối và mất mát! Bối rối là bởi vì trước đây thường có “hai
cái đầu”, bây giờ chỉ còn lại “một mình”, soạn thảo và chuẩn bị phần
giới thiệu cho cả một chương trình, mà tính tôi thì vừa lười, lại vừa
quen thói “bắt nạt” thằng em, vì thế bây giờ đâm ra hụt hẫng! Trước đây,
hễ tiết mục nào mình không phải giới thiệu là tôi “bán cái” cho Dzũng
liền, đôi khi “bí” không biết viết gì, thì tôi cũng lại trút lên vai của
Dzũng. Thật ra thì Việt Dzũng cũng chẳng chăm chỉ hơn tôi lắm đâu, tuy
nhiên có lẽ vì phận “làm em” nên lúc nào cũng (không) vui vẻ gật đầu
“OK, OK” thật là dễ thương và… tội nghiệp! Tuy nhiên khi hai anh em đứng
chung trên sân khấu thì chúng tôi hầu như “dẹp bỏ” hết cả scripts, cứ
việc tung hứng “loạn xà ngầu” tùy theo nội dung của từng tiết mục hoặc
từng bài hát! Rất nhiều lần chúng tôi đã bị bà “manager” Thy Vân cùng
ông “đạo diễn” Trúc Hồ complained và dọa “đuổi việc”!!! Nhưng bây giờ
ngồi ngẫm lại, thì ra đó chính là những điều đã gợi lại cho tôi bao tiếc
thương và mất mát, nhất là với chương trình dòng nhạc của Lam Phương và
Anh Bằng lần này, vì tôi biết Việt Dzũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp và lý
thú với hai vị nhạc sĩ kể trên.
Tuy nhiên dù muốn, dù không thì dự án thu hình cho bộ DVD kỳ thứ 77
của TT Asia cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tôi và nhạc sĩ Trúc Hồ đã
đến thăm cũng như tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương nhiều lần, và cũng nhờ
vậy mà tôi mới biết được mối liên hệ cùng sự tương quý giữa hai nhà
soạn nhạc, một già, một trẻ này. Nếu Trúc Hồ kính trọng tài nghệ cùng tư
cách của nhạc sĩ Lam Phương bao nhiêu thì ngược lại anh Lam Phương quý
mến khả năng âm nhạc cùng cung cách hòa âm của Trúc Hồ bấy nhiêu! Nghe
hai nhạc sĩ trao đổi tôi mới biết được chính anh Lam Phương đã giao cho
Trúc Hồ rất nhiều nhạc phẩm để hòa âm thu thanh cho các băng cassette
hoặc đĩa nhạc của anh từ hơn hai mươi năm về trước! Họ còn “hẹn ước” với
nhau một cuộc trùng phùng nghệ thuật khác, trước khi anh Lam Phương
chính thức ngừng hoạt động, rất tiếc vì tính cách riêng tư của dự án nên
tôi không thể tiết lộ được vào lúc này!
Về phần cô Thy Vân, giám đốc của TT Asia, thì cô đã bàn bạc với
chúng tôi là trong buổi thu hình, cô sẽ cho xây dựng hai khu ngồi rất
trang trọng và riêng biệt dành cho 2 nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương cùng
với thân quyến của các vị đó ngay trong rạp để anh chị em nghệ sĩ cùng
khán thính giả có thể diện kiến họ cũng như giao tiếp bằng mắt trong các
màn trình diễn, tương tự như các buổi nhạc hội tri ân và vinh danh nghệ
sĩ Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật mà chúng ta
thường thấy diễn ra hàng năm tại Kennedy Center in Washington, DC. Tuy
nhiên, vào giờ chót, nhạc sĩ Lam Phương trở bịnh nặng phải đưa vào bệnh
viện, vì thế kế hoạch dự trù đã không thực hiện được. Và nhạc sĩ Anh
Bằng cũng xin từ chối vinh dự này vì không có anh Lam Phương ngồi bên
cạnh. Mọi người ai cũng lấy làm tiếc và thiếu đi phần vinh danh trang
trọng dành cho hai vị nhạc sĩ đã đóng góp và cống hiến cả cuộc đời cho
nền âm nhạc VN từ hơn 60 năm qua!
Chính nhạc sĩ Lam Phương cũng cảm thấy tiếc nuối, vì trở ngại sức
khỏe mà ông mất đi dịp tiếp xúc, giao thiệp và trao đổi với anh chị em
nghệ sĩ cùng quý vị khán thính giả của TT Asia, điều đó đã được thể hiện
qua những lần điện thoại mà anh Lam Phương dù đang nằm ở bệnh viện
nhưng cũng đã gọi thẳng qua Úc để tâm sự với tôi khoảng 1 tuần trước
ngày thu hình khi tôi đang lưu diễn tại Melbourne! Anh còn chia sẻ với
tôi rằng, dù đã xuất hiện trên sân khấu nhiều lần qua các chương trình
nhạc mang tên anh, nhưng không hiểu sao lần này anh lại cảm thấy nôn
nao, bồi hồi, xúc động và chờ mong khôn tả! Anh cứ ao ước rằng “phải chi
mình khỏe mạnh”!!! Anh Lam Phương ơi, những điều anh ước ao chẳng phải
chỉ một mình, mà là điều mong ước của hàng chục triệu người ái mộ anh
trên quả đất này, trong đó có tôi, một người quý mến anh từ 58 năm qua
kể từ ngày được trò chuyện cùng anh lần đầu tiên vào năm 1957 tại khu cư
xá Nguyễn Tri Phương, ở thành phố Sài Gòn!
Nhưng có một điều phải công nhận rằng số anh lận đận thật, và nếu
tôi gọi nhạc sĩ Anh Bằng là “người đàn ông đào hoa, nhưng chung thủy”,
thì xin phép được mô tả anh Lam Phương là “người nhạc sĩ tài hoa, nhưng
lận đận”! Anh lận đận từ công danh, sự nghiệp, cho đến cả tình lẫn tiền
rồi bây giờ là sức khỏe, mặc dù anh đã có tất cả những thứ trên, và còn
có nhiều hơn bao người khác nữa! Ông Trời thật không công bằng đối với
anh!
Chắc ít người biết được cậu nhạc sĩ nghèo, vừa tròn 16 tuổi đã nổi
tiếng ngay với ca khúc thứ hai trong đời, bản “Nhạc Rừng Khuya” được đón
nhận một cách nồng nhiệt không ngờ. Năm 1953 nhiều nhà xuất bản đã tìm
đến gặp anh để ký hợp đồng thu thanh và phát hành! Anh tưởng phen này sẽ
có dịp kiếm tiền để giúp mẹ nuôi nấng các em nên ký lung tung, ai ngờ
đâu bị thưa ra tòa về tội vi phạm lời giao ước! Cũng may thuở ấy chàng
mới 16 tuổi nên được ông Tòa tha vì “dưới tuổi vị thành niên”, và có lẽ
cũng vì thế nên ngay sau đó anh đã viết bản “Kiếp Nghèo” để đành tiếp
tục cuộc sống đạm bạc. Nhưng chỉ vài năm sau thôi thì đời anh đã có phần
nào thay đổi, các sáng tác mới đã bắt đầu đem lại cho anh nguồn lợi
nhuận tương đối khả quan, khổ nỗi lại là lúc anh lận đận vì tình, trái
tim anh đã biết thế nào là đớn đau sau lần dang dở với cuộc tình đầu đầy
những đam mê và kỷ niệm, mà mãi đến bây giờ khi ngồi xuống phân tích và
tìm hiểu từng câu, từng chữ trong các sáng tác của anh từ suốt gần 6
thập niên trở lại đây, tôi và nhạc sĩ Trúc Hồ mới biết được nó ảnh hưởng
một cách đậm đà nhưng kín đáo như thế nào qua từng nhạc phẩm mà anh đã
viết, nhiều khi người ta chỉ có thể tìm thấy được một câu hoặc một vài
chữ ẩn dụ trong bài hát mà thôi!
Và cuối cùng thì Trời cũng đã không phụ
kẻ có lòng, năm 22 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương đã tìm được hạnh phúc tưởng
như vĩnh cửu. Mọi người mừng cho anh khi nghe bản “Ngày Hạnh Phúc”, và
có lẽ cuộc sống an bình cùng tâm hồn chất phác, thật thà của một con
người nhân hậu đã khiến anh cống hiến cho đời biết bao nhiêu tác phẩm âm
nhạc giá trị trong suốt thời gian hơn 10 năm sau đó, kéo dài cho đến
giữa thập niên 1970. Chỉ cần một vài bản nhạc ăn khách thôi, là anh đã
trở thành triệu phú. Vợ đẹp, con ngoan, xe hơi, nhà lầu, với dáng vóc
cao ráo, đẹp trai, anh được mời thủ diễn trong một số phim ảnh, nhưng
luôn luôn giữ bản tính khiêm nhường và nhã nhặn, vì thế mọi người ai
cũng quý mến anh.
Thế rồi cơn đại hồng thủy Tháng Tư 1975 ập xuống, thác lũ, cuồng nộ
của thảm nạn quê hương đã cuốn trôi đi tất cả những gì anh tạo dựng nên
bằng mồ hôi, nước mắt và tâm trí của mình! Anh bỏ lại tất cả công danh
và sự nghiệp để cùng gia đình ra đi tìm tự do trên “Con Tầu Định Mệnh”,
may mắn đến được bến bờ tự do với đôi bàn tay trắng và làm lại từ đầu
nơi đất khách trong nỗi “Sầu Viễn Xứ”! Nhưng cái số phận long đong nó
vẫn cứ đeo đuổi anh, một lần nữa trái tim anh lại nghe tan vỡ và lần này
cơn đau buồn đã dâng cao đến độ anh phải “bỏ xứ ra đi”, mà anh nói đùa
với tôi là để “tỵ nạn ái tình”! Quyết định đó dù tìm được “vài nụ hồng ở
kinh đô ánh sáng Paris”, nhưng đã không giải quyết được cái số lận đận
triền miên trong tình trường mà anh đã phải ngụp lặn từ khi còn trẻ! Chỉ
có người yêu nhạc là “may mắn”, vì họ được nghe tâm sự cùng niềm thổn
thức của cõi lòng anh qua những tình khúc ngập tràn nước mắt, thương đau
và tủi hận! Khổ một nỗi là càng buồn thì anh viết càng hay, mà càng đau
thì bài ca nghe càng thấm! Nhưng chính những cơn đau xé lòng đó đã tàn
phá trái tim để rồi cuối cùng anh gục ngã vì một cơn tai biến mạch máu
não vào cuối năm 1999! Thân thể anh bị tê liệt nửa người và anh trở
thành phế nhân, dù trong lòng mọi người anh luôn là một hình ảnh toàn
vẹn, toàn vẹn nhất của một con người hoàn hảo. Hoàn hảo từ đức độ đến tư
cách, hoàn hảo từ tài năng đến cuộc đời, dù trải qua bao sóng gió.
Nhìn lại anh từ lúc trưởng thành, hay trước đó, từ thời niên thiếu,
anh đã như một con tằm, bắt đầu nhả tơ cho số phận, cho cuộc đời, tình
yêu và âm nhạc! Mới 7 tuổi, anh đã biết thế nào là khói lửa chiến tranh
và phải đi chạy loạn từ thôn này qua làng nọ. 10 tuổi đã phải xa gia
đình lên tỉnh ở trọ, 16 tuổi đã biết yêu và đã biết cầu mong “một mái
tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai”. Năm 17 tuổi, anh đã
thấm được nỗi đau của kẻ ly hương khi những người cùng dòng máu phải di
cư từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng Sản, và cũng vì thế mà trong kho tàng âm
nhạc VN của chúng ta mới có các nhạc phẩm như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”,
“Kiếp Tha Hương”, “Tình Cố Đô” hoặc “Tiễn Người Đi” v..v…
Lớn lên trong thời chinh chiến, anh đã làm tròn bổn phận của một
người trai thời loạn, nếu không muốn nói rằng anh còn đóng góp nhiều lần
hơn thế nữa qua gần 50 nhạc phẩm ngợi ca đời lính như “Chiều Hành
Quân”, “Đêm Dài Chiến Tuyến”, “Bức Tâm Thư”, hay “Tình Anh Lính Chiến”
v..v…
Trong tình trường, tuy khổ đau nhưng anh không là người phản bội,
anh đã dùng âm nhạc để tự an ủi và chia sẻ nỗi lòng mình với những người
dù không hay cùng hoàn cảnh, phải chăng đó là lý do mà các nhạc phẩm
với tựa đề một chữ như Lầm, Tiếc, Buồn, Say, Thương, Mất …, đã được
người yêu nhạc đón nhận một cách nồng nhiệt?
Đối với những đồng hương cùng chí hướng, anh là người luôn luôn
trung thành với lý tưởng của mình, một người yêu tự do, dân chủ, công
bằng và nhân ái. Nhạc phẩm anh viết tặng anh hùng Trần Văn Bá cùng những
người đã dấn thân về nước đấu tranh mang tựa đề “Còn Anh Em Tôi Đây”,
sẽ không bao giờ nhạt phai trong lòng của những đứa con yêu tổ quốc.
Còn với quê hương, đất nước, Lam Phương là một nhạc sĩ rất nặng
lòng, anh đã mơ ngày trở về ngay từ khi vừa bước xuống tầu để ra đi:
“tầu mang ta đi, tầu sẽ đón ta hồi hương”! Nhưng hơn 40 năm qua anh vẫn
một lòng kiên trì, không hề đặt chân trở lại Việt Nam dù hàng triệu khán
giả trong nước mong ước được gặp lại người nhạc sĩ đáng mến này. Gần
đây nhất, tôi được biết là dự trù sẽ có một buổi đại nhạc hội gồm toàn
dòng nhạc của Lam Phương có tên là “Thao Thức Vì Em” được diễn ra ngay
tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, đặc biệt là sẽ có sự tham dự của nữ ca sĩ Bảo
Yến sau hơn 10 năm vắng bóng. Tôi sẽ không viết những dòng “quảng cáo
miễn phí” cho đêm nhạc hội này nếu người hát không phải là cô Bảo Yến,
một nữ ca sĩ mà anh em chúng tôi đã từng đứng ra để xin cho cô được “tỵ
nạn chính trị” ở Hoa Kỳ cách đây hơn 10 năm về trước, vì bị kỳ thị và
ngược đãi tại VN. Bảo Yến đã được cấp tình trạng thường trú ở Mỹ, tuy
nhiên vì quá thương nhớ con cho nên cô đã lén về thăm nhà qua ngã
Bangkok, nhưng khi nhà nước CSVN khám phá rằng cô đang có mặt ở Sài Gòn,
họ đã tịch thu hết giấy tờ và cấm cô được xuất ngoại trở lại. Và chính
sự việc này khiến cô từ chối xuất hiện ở bất cứ một buổi nhạc hội nào từ
suốt 10 năm qua dù đã nhận được bao nhiêu lời mời. Vâng, ở VN hiện nay,
khó ai có thể trình bầy trọn vẹn dòng nhạc Lam Phương bằng nữ ca sĩ Bảo
Yến, bởi vì cô không chỉ hát bằng giọng ca thiên phú mà còn hát bằng
trái tim đầy lý tưởng của mình.
Riêng đối với tôi, sự “hoàn hảo” của anh được thể hiện qua hình ảnh
của một người nhạc sĩ hiền hòa, không thích chính trị và không làm
chính trị, nhưng anh Lam Phương đã có những “hành động chính trị” còn
hơn hẳn biết bao nhiêu “chính trị gia nổi tiếng” của chúng ta. Tôi còn
nhớ cách đây vài năm, khi được một tờ báo ở trong nước phỏng vấn rằng:
“Thưa nhạc sĩ, chúng tôi được biết là Bến Thành Audio-Video đang dự định
mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm nay. Vậy
ông có quyết định trở về hay không?”
Nhạc sĩ Lam Phương đã trả lời: “Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc
trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không
bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, nói năng chậm
chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ
chức. Tuy nhiên dù về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi
nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính
giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc
thường trực ở với mọi người”.
Thật ra thì nhạc sĩ Lam Phương đâu cần phải nói câu “Tháng 12 vừa
qua, tôi có đi Úc trình diễn…”! Những người thông minh có thể hiểu ngay
thông điệp kín đáo của ông là, từ Úc về VN chỉ có vài tiếng đồng hồ, vậy
tại sao tôi đã đến Úc được mà lại không về VN? Có lẽ người ký giả của
tờ báo Thanh Niên cũng thông minh không kém cho nên ông ta đã qua mặt
được bọn Công An kiểm duyệt tin tức từ nước ngoài!
Giọng hát Bảo Yến, tình khúc Lam Phương, một kết hợp tuyệt vời: “Lậy Trời Con Được Bình Yên”!
Nam Lộc
California, cuối Thu, 2015
http://baocalitoday.com/vn/tin-tuc/van-nghe/lam-phuong-lay-troi-con-duoc-binh-yen.html