dimanche 22 mars 2015

Kết cục cuộc chiến Việt Nam và những quyết định từ Hà Nội - Việt Hà

Giáo sư sử học Nguyễn Thị Liên Hằng thuộc trường đại học Kentucky và cuốn ‘Hanoi’s War’ tạm dịch là ‘Cuộc Chiến Hà Nội’, được xuất bản vào năm 2012.Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 40 năm qua nhưng rất nhiều điều về cuộc chiến vẫn còn tiếp tục là chủ đề gây chú ý tại Mỹ. Các sử gia Mỹ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết về cuộc chiến này để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết cục của cuộc chiến. Giáo sư sử học Nguyễn Thị Liên Hằng thuộc trường đại học Kentucky là người có những nhận định khá khác biệt so với những sử gia Mỹ khác về những nguyên nhân dẫn đến kết cục của cuộc chiến. Điều này đã được bà đề cập trong cuốn ‘Hanoi’s War’ tạm dịch là ‘Cuộc Chiến Hà Nội’, được xuất bản vào năm 2012. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng về những phân tích của bà về cuộc chiến. 




Việt Hà: Thưa bà, vào tháng 3 năm 1965, Hoa Kỳ quyết định gửi quân vào Việt Nam, theo bà thì những nguyên nhân nào từ phía Hà Nội đã có ảnh hưởng đến quyết định này của Mỹ?
Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: Câu hỏi về quyết định của chính phủ Johnson khi gửi quân sang Việt nam là một câu hỏi rất quan trọng. Lập luận của tôi là cả hai chính phủ bao gồm chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Bắc Việt Nam) và chính phủ Mỹ đều có lý do để tham chiến. Theo nghiên cứu của tôi thì Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó, còn được gọi là Đảng Lao Động Việt Nam, dưới thời Lê Duẩn, đã đưa ra quyết định tiến hành một cuộc chiến ở quy mô lớn từ năm 1962, 1963. Lê Duẩn muốn tăng cường những nỗ lực cho cuộc chiến ở miền Nam và ông ta chỉ đợi cho đến khi có thời cơ tốt để tiến hành. Điều này đã không xảy ra cho đến tận cuối năm 1963 tại hội nghị trung ương 9. Với lý do đó, ông ta đã có quyết định bắt đầu một cuộc chiến quy mô lớn và Hoa Kỳ theo nhiều cách cũng đã quyết định tiến hành cuộc chiến dưới thời của Tổng thống Lydon Johnson (LBJ) trong thời gian 1964.
Cho nên theo tôi, họ đều có lý do riêng của họ. Nó không phải là nếu Lê Duẩn không leo thang cuộc chiến thì Hoa Kỳ cũng không tham chiến, Hoa Kỳ cũng đã có lý do riêng để tham chiến….Tất nhiên quyết định của Lê Duẩn đã cho LBJ lý do để can thiệp, nhưng ông ấy cũng có lý do nội địa ở nước Mỹ để tham chiến. Nếu không phải là Lê Duẩn mà là một người khác lãnh đạo ở Bắc Việt Nam thì LBJ sẽ làm gì? Chúng ta không biết được câu trả lời rõ ràng cho điểm này. Nhưng tôi cho rằng Lê Duẩn đã làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn cho phía Mỹ can thiệp sớm hơn.  Cả Hà Nội và Washington đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến.
Việt Hà: Khi Mỹ gửi quân vào Việt Nam, Mỹ cũng thực hiện một loạt các chiến dịch quân sự. Một số sử gia quân sự Mỹ cho rằng các chiến dịch quân sự này đã thất bại nhưng trong cuốn Cuộc Chiến Hà Nội của bà thì tôi thấy rằng các chiến dịch quân sự của Hà Nội từ năm 1964, 1968 đến 1972 đều đã thất bại. Vậy tại sao Lê Duẩn vẫn khiến phía Mỹ phải ngồi vào vòng đàm phán và cuối cùng giành thắng lợi?
Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: câu hỏi này liên quan đến bản chất của cuộc chiến tại Việt Nam. Phía Mỹ đã không có một định nghĩa rõ ràng về chiến thắng. Họ không có ý định lật đổ Lê Duẩn hay Đảng ở Hà Nội, mà chỉ là muốn duy trì một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn. Vì Johnson không tuyên bố cuộc chiến, bởi vì lúc đó Johnson đang có hai chiến dịch là chiến dịch chống đói nghèo ở trong nước Mỹ và thứ hai là cuộc chiến ở Việt Nam. Nếu ông ta không chiến thắng ở cuộc chiến này (Việt nam) thì dân chúng Mỹ sẽ mệt mỏi bởi vì họ phải gửi quân lính sang Việt Nam. Cho nên theo tôi đây là một phần lý do cho thấy mặc dù Lê Duẩn đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ Sài Gòn nhưng ông ta vẫn chiến thắng hay khiến phía Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Đó là phần mà mọi người biết được khi đọc cuốn ‘Cuộc Chiến Hà Nội’ (Hanoi’s war). Nhưng người Mỹ đã không biết là Hà Nội cũng mắc rất nhiều sai lầm, và những mục tiêu quân sự mà Hà Nội đề ra đã không đạt được.
Trong khi đó, chúng ta nghe từ phía Mỹ là Hà nội đã thắng này thắng kia và không có những động thái sai, nhưng trên thực tế thì họ có sai lầm. Đó là điểm chính của cuốn sách của tôi. Nó cho thấy là Lê Duẩn đã có một kế hoạch quân sự đầy tham vọng là tổng tiến công và nổi dậy. Ông ta tin là mỗi lần ông ta thực hiện tổng tiến công và nổi dậy thì Thiệu sẽ bị sụp đổ nhưng điều này đã không xảy ra. Tuy vậy, Lê Duẩn nắm quyền kiểm soát chắc dư luận ở Hà Nội. Thực tế là cũng không có dư luận ở Hà Nội, vì Đảng Lao Động đảm bảo là người dân không được phép viết và chỉ trích cuộc chiến. Mỗi lần Lê Duẩn sai thì không một ai ở Hà Nội có thể lên tiếng vì Lê Duẩn có thể vô hiệu hóa được Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo khác ở Hà Nội. Lê Duẩn có thể giảm thiểu được những đe dọa cho mình. Trong khi đó thì ở Mỹ mọi điều không phải như vậy.
Việt Hà: Xin bà cho biết là mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc vào lúc đó có ảnh hưởng thế nào tới quyết định đưa quân vào Việt Nam của Mỹ?
Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: tôi nghĩ là quan hệ giữa Bắc Việt nam với Trung Quốc và Liên Xô vào giai đoạn đầu những năm 60 là một quan hệ rất gần. Hoa Kỳ thì không muốn khiêu khích Trung Quốc để khiến nước này tham chiến, cho nên họ không gửi quân vào phía bắc vĩ tuyến 17 và họ cũng không ném bom biên giới giữa Trung Quốc và Việt nam ở phía Bắc ngay khi chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu. Họ lo ngại là Trung Quốc sẽ can thiệp. Mặc dù Hà Nội không thân thiết lắm với Liên Xô vào lúc đầu cuộc chiến nhưng đến năm 1968 thì Liên Xô đã vượt qua Trung Quốc trong những trợ giúp cho Việt Nam. Cho nên quan hệ giữa các nước cộng sản này rất gần. Điều này có ảnh hưởng đến cách mà Washington tiến hành cuộc chiến với điều quan trọng nhất là họ lo ngại sự can thiệp của Trung Quốc cho mãi đến khi Nixon thực sự lên nắm quyền. Vào cuối những năm 60 thì họ biết rõ là Trung Quốc sẽ không can thiệp nhưng đó là nỗi lo sợ của họ vào lúc đầu cuộc chiến.
Việt Hà: xin bà giải thích bối cảnh tại sao sau năm 1968, Hoa Kỳ lại có những thay đổi về chính sách khi quyết định nhượng bộ ngồi xuống đàm phán với Hà Nội?
Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: đã có sự phản bội lại miền Nam Việt Nam, sự phản bội đối với Việt Nam cộng hòa. Theo tôi điều này có liên quan đến sự thay đổi của chiến tranh lạnh và tình hình ở Việt Nam. Tôi nghĩ Nixon, đặc biệt là Kissinger muốn giữ uy thế của nước Mỹ trong chiến tranh lạnh. Cho nên điều mà Kissinger muốn làm là đàm phán để Mỹ thoát khỏi cuộc chiến và chỉ đợi trong vài năm Sài Gòn sẽ sụp đổ và đến lúc ấy thì đó không phải lỗi của Mỹ. Cho nên ông ta đã làm vậy. Thứ nhất là người Mỹ đã không kết nối được thực tế cuộc chiến đang diễn ra ở chiến trường và thứ hai là do sự thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô. Cho nên việc có tồn tại hay không một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn không còn quá quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu nói chuyện lại với nhau.
Ngay kể cả khi Nixon không muốn bỏ rơi Việt Nam và ông ta đã cố gắng sử dụng không quân để tàn phá Hà Nội trong thời kỳ ông làm Tổng thống, nhưng theo tôi sự tồn tại của một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn đã không còn quan trọng với Mỹ kể từ sau năm 1968, 1969, và càng rõ ràng hơn vào đầu những năm 1970 so với thời kỳ của Tổng thống Lyndon Johnson.
Việt Hà: Theo bà nếu như những người đưa ra chính sách ở Mỹ biết được những gì đang diễn ra ở Hà Nội thì liệu phía Mỹ có thể kết thúc được cuộc chiến sớm hơn không?
Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: Trong các tài liệu lưu trữ mà tôi được nghiên cứu ở Mỹ, bao gồm của Bộ Ngoại Giao, của CIA, tôi thấy phía Mỹ đã không biết được điều gì đang diễn ra ở Hà Nội. Có một số những chuyên gia tình báo dường như là đã có những ý tưởng về những tranh luận đang diễn ra trong nội bộ Đảng Lao Động ở Hà Nội nhưng dường như không ai đọc các báo cáo của họ. Tôi nghi ngờ là ngay kể cả khi một nhân viên nào đó ở Bộ Ngoại Giao hay CIA có được thông tin đúng thì báo cáo của họ cũng khó đến được bàn Tổng Thống, vì theo tôi, cuối cùng Hoa Kỳ vẫn tin là họ sẽ chiến thắng dù điều gì đang diễn ra ở Hà Nội đi chăng nữa. Hoa Kỳ sẽ chiến thắng bởi lực lượng hùng hậu, vì vậy họ cũng không cần lợi dụng sự chia rẽ trong Đảng Lao động.
Vì điều quan trọng hơn cả là sức mạnh của Hoa Kỳ chứ không phải là kẻ thù yếu thế nào. Đã luôn có một sự tin tưởng ở Mỹ là nước Mỹ sẽ thắng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tức là Hoa Kỳ chưa từng thua một trận chiến nào. Họ cứ tham chiến và thắng. Cho nên họ không cần quan tâm đến những chia rẽ về chính trị ở Hà Nội. Tất nhiên là Hà Nội cũng gây khó khăn cho người bên ngoài muốn nhìn thấy sự chia rẽ này. Nhưng tôi có cảm giác là Hoa Kỳ chưa bao giờ cố gắng tận dụng sự chia rẽ này ở Hà Nội vì họ quá tin tưởng là họ sẽ chiến thắng bởi sức mạnh quân sự.
Việt Hà: xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.