NGỌN ĐUỐC TRẦN VĂN BÁ - "TA CÒN SỐNG ĐÂY"
TranVanBa.org
Cụ
thân sinh, cố dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Văn, suốt đời tranh
đấu cho nền tự chủ, và tự do tiến bộ của đất nước, bị ám sát ngày 7
tháng 12, 1966 tại Sàigòn. Hơn 20 năm sau, báo chí của chế độ Hà Nội xác
nhận đó là chiến công của bộ đội biệt động cộng sản (xem tiểu sử cụ
Trần Văn Văn). Cụ Bùi Quang Chiêu, bác ruột của cụ bà Trần Văn Văn,
người sáng lập ra đảng Lập Hiến năm 1919, bị cộng sản sát hại cùng với
bốn người con ở Chợ Lớn năm 1945.
Ngoài tác dụng
của 3 nhân tố : thời kỳ lịch sử, môi trường xã hội, huyết thống gia tộc,
mà ai sinh ra ở đời cũng phải chịu ít nhiều quy luật, Trần Văn Bá còn
tiệp nhận sâu xa ảnh hưởng xuất phát từ truyền thống gia đình, nông thôn
miền Nam, giáo dục nhà trường :
- Cái giá mà gia đình đã trả cho
cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do và hiện đại hóa của đất nước đã khiến
Bá rất nhạy cảm, từ tấm bé, với vận mạng của dân tộc và chính sự Việt
Nam (xem tiểu sử của cụ Trần Văn Văn.)
-
Những ngày tháng hòa mình ở nông thôn với người dân của đồng bằng Miền
Nam đã nuôi dưỡng cái bẩm tánh phóng khoáng, vị tha, trọng nghĩa bạn bè,
gắn bó với nguồn cội của Bá;
-
Sự tiếp cận với văn hóa Tây Phương qua nhà trường, sách vở, giáo huấn
của thân phụ đã hun đúc cho Bá một tinh thần tiến bộ, quý trọng tự do cá
nhân.
Sau đám tang của cha, Bá sang Pháp
tháng giêng 1967, theo học ngành kinh tế và làm phụ tá giảng viên ở Đaị
học Nanterre, một thành trì của giới tả khuynh ở vùng Paris.
Ngay từ lúc đặt chân đến Pháp, Bá đã
quyết định dồn hết tâm trí để tìm một giải đáp cho thảm trạng của đất
nước. Khi đi đến kết luận là sự tồn vong và tương lai của dân tộc chỉ có
thể được đảm bảo trong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do, tiến
bộ, và mục tiêu này chỉ có thể được hoàn thành từ một nền Cộng Hòa miền
Nam vững mạnh và tự do, Bá đã tự vạch ra cho mình một hướng đi để đóng
góp vào mục tiêu đó.
Bá thấy rõ, muốn tiến đi trên con
đường thiên lý như thế, phải đáp ứng 3 điều kiện căn bản : trực diện với
cộng sản Việt Nam và hệ thống hậu thuẫn quốc tế của nó, chấp nhận đi
vào một cuộc chiến vô cùng chênh lệch, thích nghi cuộc sống cá nhân với
con đường lựa chọn.
Chế độ cộng sản Việt Nam hiển nhiên
là vấn nạn then chốt, chi phối tất cả các vấn đề chuyên chở vận mạng và
tương lai đất nước. Trực diện với một vấn nạn như thế đòi hỏi một mặt,
phải hiểu rõ bản chất, nguồn gốc tư tưởng, phương thức hành động, hậu
thuẫn quốc tế của cộng sản Việt Nam, và mặt khác, một giải đáp đối chiếu
lại với chế độ Hà Nội cho vấn đề chiến tranh, hòa bình và phát triển
của đất nước. Bá đã dồn hết tâm trí và thời giờ vào công trình nầy, đã
tự học, tự rèn luyện một khả năng và một phương thức hành động.
Rồi từ đó bước vào cuộc chiến. Một
cuộc chiến vô cùng chênh lệch. Thời điểm thập niên 60 và 70 là cao điểm
của phong trào Cộng Sản quốc tế trong thế bành trướng toàn cầu bằng quân
sự hay qua chiến tranh sách động chánh trị, hoặc bằng cách khống chế
đời sống xã hội, văn hóa và trí thức ở các quốc gia của thế giới đệ tam
và ở các nền dân chủ lớn. Đặc biệt Âu châu và nhất là Pháp, lúc bấy giờ
là địa bàn của các phong trào phản chiến, với những đợt biểu tình chống
chiến tranh Việt Nam liên tục.
Ta còn nhớ lời tuyên bố của Jean-Paul Sartre, triết gia tả khuynh trứ danh của Pháp : « chủ nghĩa Mác xít là chân trời không thể vượt qua của lịch sử ! » và giáo điều : «3
dòng thác cách mạng» của Lê Duẩn : « hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa, là 3 dòng
thác cách mạng vỡ bờ sẽ cuốn phăng đi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực
phản động trên thế giới.»
Trong cái bối cảnh ngột ngạt đó, Bá
khẳng khái đảm đương cái lý lịch người Việt miền Nam của mình, chấp nhận
hành động trong cô đơn với thước đo duy nhất cho sự đúng sai, tốt xấu,
thành bại, là ý thức và lương tâm của chính mình mà thôi, gạt ra ngoài
mọi thừa nhận, khen chê.
Một lựa chọn như thế đòi hỏi một đời
sống cá nhân thích nghi. Để trọn vẹn với chính mình và sòng phẳng với
mọi người, Bá quyết định sống độc thân và gạt qua bên vấn đề khoa bảng,
công danh, sự nghiệp.
Tất cả mọi hoạt động và ứng xử của Bá đều đặt căn bản trên 3 điều kiện ấy, mà Bá tuyết đối tuân thủ đến giờ phút lìa đời.
Khởi đầu là hoạt động ở Pháp và Âu
châu, trong trận tuyến đấu tranh chánh trị để tranh thủ cộng đồng người
Việt hải ngoại và dư luận quốc tế cho cuộc chiến tự vệ của Việt Nam Cộng
Hòa. Môi trường hoạt động tự nhiên là giới thanh niên, sinh viên Việt
Nam không cộng sản. Bá đắc cử Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam
Paris, nhiệm kỳ 1971-1972 và nhiều nhiệm kỳ kế tiếp. Cùng một nhóm bạn
đồng hành, Bá đẩy mạnh hoạt đồng chánh trị của Tổng Hội Sinh Viên để đối
phó lại với các chiến dịch tuyên truyền và sách động của cộng sản, và
song song nỗ lực tổ chức một cộng đồng người Việt tự do Âu châu vững
mạnh. Mặt khác, Bá tiếp tục giữ chặt liên hệ với bạn bè ở quê nhà, trong
chính giới, trong quân đội, ở nông thôn.
Trong tinh thần đó, Bá tích cực tham gia tổ chức trại hè Nối Vòng Tay Lớn năm 1972, mang phái đoàn du học sinh Âu châu về thăm nhà để tạo nhịp cầu thông cảm giữa sinh viên du học, sinh viên quốc nội và các chiến sĩ cộng hòa.
Trong những năm kế tiếp, Bá tiếp tục
hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngày càng lớn
mạnh với những đợt tỵ nạn liên tục, và sự chuyển hướng của dư luận quốc
tế trước hiện tượng thuyền nhân Việt Nam. Bá đặt cuộc chiến cho tự do, dân chủ và hiện đại hóa của người Việt trong một viễn quan trường kỳ và một bối cảnh quốc tế.
Do đó, khi miền Nam sụp đổ vào tháng
4 năm 1975, Bá đã phản ứng mau lẹ, giữa điêu tàn, trong tuyệt vọng,
ngược dòng tháo chạy tán loạn. Cùng vài bạn đồng hành, Bá xác định chánh
nghĩa quốc gia và tổ chức đêm hội Tết Bính Thìn 1976 với chủ đề «Ta Còn Sống Đây»,
dưong cao ngọn cờ vàng, giữa tiếng hát quốc ca và « hồn tử sĩ.» Trước
hơn 2000 khán giả, Bá kêu gọi tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam
tự do, dân chủ, chống lại chế độ độc tài cộng sản và chánh sách trả thù
dân quân Miền Nam của Hà Nội. Một ngọn lửa đối kháng đã được đốt lên đêm
hôm đó.
Thôi thúc bởi thảm cảnh của đồng bào lênh đênh trên biển Đông hay ngoi ngóp trong các trại tỵ nạn bần cùng; bởi cảnh ngộ của dân quân miền Nam bị đày ài, hành hạ, bữa đói bữa no, trong các trại gọi là « cải tạo » hay ở các vùng « kinh tế mới »; bởi thảm họa của cả một thế hệ thanh niên bị đem làm vật tế thần cho cuộc bành trướng quân sự điên rồ qua Kam Pu Chia; Bá quyết định rời Paris ngày 6 tháng 6 năm 1980 để trở về tranh đấu trong lòng quê hương.
Ngày 9 tháng 9 năm 1984 Bá bị lực lượng công an cộng sản bắt tại CàMau,
và đưa ra trước Tòa Án Nhân Dân tại trụ sở cũ của Quốc Hội Việt Nam Cộng
Hòa ở Sàigòn, ngày 14 tháng 12 năm 1984, cùng với 20 đồng đội. Tòa Án
Nhân Dân tuyên án tử hình Bá cùng với 4 bạn đồng hành. Bất chấp các phản
ứng khắp nơi trên thế giới kêu gọi ân xá, từ các cộng đồng người Việt,
qua dư luận báo chí đến các chánh phủ và yếu nhân của các nước dân chủ,
chế độ Hà Nội, qua một điện báo, loan tin Bá bị hành quyết cùng với Hồ
Thái Bạch và Lê Quốc Quân ngày 8 tháng giêng năm 1985.
Từ đó Trần Văn Bá đã trở thành biểu
tượng của cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam đối kháng lại chế
độ cộng sản. Trong các cộng đồng ngưòi Việt trên thế giới hay từ các
hiệp hội ngoại quốc, dưới nhiều hình thức, Bá được vinh danh như một
chiến sĩ tự do, một nhà ái quốc, một tấm gương tranh đấu cho dân chủ :
hai tấm bản tưởng niệm Trần Văn Bá được đặt nơi công cộng ở thành phố
Liège, Bỉ quốc; một con đường được đặt tên Trần Văn Bá ở trung tâm sinh
hoạt của người Việt, Eden Center, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ; Huân
chương Tự Do Truman-Reagan 2007 được truy tặng cho Trần Văn Bá. Và năm
2008 tòa Thị Sảnh quận 13, thành phố Paris, Pháp quốc quyết định cho
dựng một cột bia vinh danh Trần Văn Bá như một chiến sĩ Tự Do, một nhà
ái quốc. Nhưng chánh phủ cộng sản Việt Nam đã làm áp lực tối đa, trực
tiếp và qua các nhóm áp lực thân cộng, yêu sách chánh phủ Pháp ra lệnh
cấm không cho tòa thị sảnh Paris 13è dựng bia vinh danh Trần Văn Bá. Qua
hành động thô bỉ đó chánh quyền cộng sản Việt Nam đã mặc nhiên loan báo
với thế giới : « Trần Văn Bá còn sống đây ! »
*
* *
Bức thơ tay của Trần Văn Bá
Chúng
tôi đăng tải bức thơ, viết tay, của Trần Văn Bá đề ngày 6 tháng 6 năm 1982,
gởi bưu điện từ Sàigòn về trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris lúc
bấy giờ, 51 rue Damesme, 75013 Paris.
Trần Văn Bá viết bức thơ nầy trong gấp rút, cùng lúc với một bức thơ khác
cho một người bà con, cũng được gởi qua bưu điện, từ Sàigòn. Trong bản đánh
máy dưới đây, chúng tôi có sửa chữa vài lỗi chính tả nhỏ (xin xem bản gốc
viết tay đính kèm. Nhiều người vẫn còn nhớ tuồng chữ của Trần Văn Bá…).Trong một vài cơ hội, những vết tích mà Trần Văn Bá để lại như thế, rất quí báu để thẩm định một số sự việc, chẳng hạn như việc « một số phong trào nầy hay một vài nhân vật khác » thường viện dẫn lời tuyên bố, hoặc lập trường, hay việc làm, mà họ khẳng định là của Trần Văn Bá.
Trần Văn Bá còn để lại nhiều tài liệu, được lưu giữ, kể cả những tài liệu viết tay, một vài tháng trước khi bị cộng sản Hà Nội bắt và hành quyết ở Việt Nam…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đem lên trang mạng tranvanba.org, bài « những đường phố Paris » do Phan Văn Hưng sáng tác và hát. Gia đình của Trần Văn Bá đã yêu cầu điều này, vì cho rằng sáng tác của Phan Văn Hưng bàng bạc những xúc cảm cùng tâm tư của con người Trần Văn Bá khi cất bước trở về Việt Nam : vị nhân sinh chứ không vì quyền bính, danh lợi hay hận thù; tranh đấu để bảo trì một con người Việt Nam nhân ái, hữu tình, không để một chế độ vô nhân làm băng hoại; tranh đấu để xác định, trong xã hội và trong lịch sử, quyền hạn của mỗi cá nhân được theo đuổi cơ may hạnh phúc, vượt lên trên đòi hỏi của bất cứ xã hội hay lịch sử nào.
Chúng tôi không thuộc về ai, ngoại trừ điểm vàng son của một ngọn nến xa lạ với chúng tôi, ngoài tằm tay với của chúng tôi, nhưng luôn làm tỉnh thức sự im lặng và lòng can đảm.
Nous n’appartenons à personne sinon au point d’or de cette lampe inconnue de nous, inaccessible à nous et qui tient éveillés le silence et le courage.
René Char, Les feuillets d’hypnos.
Ngày giỗ thứ 24 của Trần Văn Bá
Tranvanba.org
Bức thơ của Trần Văn Bá
Sàigòn ngày 06/06/1982[……….]
Đã 2 năm trôi qua tôi không có tin thơ gì thăm mấy chú cả. Chắc được thơ nầy của tôi mấy chú sẽ ngạc nhiên lắm phải không ? Độ nầy gia đình mình ra sao ? Chắc mấy chú cũng lu bu lắm thì phải.
[…] như thế nào rồi, vẫn còn phong độ như những năm nào hay đã rửa tay gác kiếm, dừng bước giang hồ để trở vế với mái ấm gia đình, vợ con thân yêu.
Phần tôi thì cũng bình thàn thôi, cực thì có, nhưng tôi vẫn trọn vẹn với con người tôi, với quê hương nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai, nhưng dù sao tôi cũng phải đi đến cùng, không thểchấp nhận một sự sai lệch hay chùn bước.
Mấy cô độ nầy ra sao [ …] và còn nhiều cô nữa kể không hết. Cho tôi có lời thăm họ nhé.
Mấy chú ạ, đã trải biết bao nhiêu cam go, tôi thành thật nói với mấy chú rằng đừng nên tin bọn người đã bỏ nước ra đi, đừng để ai lợi dụng lòng hăng say của tuổi trẻ. Mấy ông chánh trị gia ở Pháp, ở Mỹ, mấy ông Tướng không làm gì được đâu. Không còn người dân nào trong nước còn có thể tin họ được. Lực lượng của mấy ông ấy chỉ có cá nhân của họ, còn bao nhiêu đều là rỗng toét, không có gì ngoài hơn là bịp bọm, tôi nói như vậy vì trước hết là lời của một người biết được một số việc ở đất nước mình, nơi mà tôi đang sinh sống vất vả.
Tôi đã nghe nói vế phong trào nầy rồi đến nhân vật khác, tất cả đều chỉ là tin đồn và tin đồn mà thôi. Nếu có gì mới lạ thì chắc chắn là không phải họ làm nên cơm cháo đâu.
Tôi tin rằng mấy chú hiểu tôi và tin rằng tôi nói thật tình với mấy chú. Tôi tin rằng đất nước mình một ngày nào đó, không xa lắm sẽ tự do và hòa bình, và đó là thành quả của anh em ở trong nước chứ không phải do một số người lưu vong làm nên.. Mấy chú cứ tin chắc như vậy, mấy chú sẽ không lầm đâu.
Thôi lời ít nhưng tình thật đậm đà, thăm tất cả anh em mạnh. […] có qua cứ cho tụi nó xem thư nầy. Cảnh giác anh em nghe mấy chú.
Nhớ nhiều
Bá
T.B. […] những gì tôi nói với […] có sai không, tôi đã có nói việc đó từ đầu và những gì mình làm chung chỉ có mục đích là không cho ai lợi dụng mình. […..] tôi có gởi thơ thăm cả.
Trần Văn Bá
*
* *
* *
*
* *
*
* *
TA CÒN SỐNG ĐÂY** TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG TRẦN VĂN BÁ -1
*
* *
*
* *
TA CÒN SỐNG ĐÂY** TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG TRẦN VĂN BÁ -2