Phan Nhật Nam
Tai ương Việt Nam, thảm họa miền Nam thăm thẳm vô bờ với mùa xuân uất hận không thể nào quên dẫu hôm nay đã 40 năm sau 1975.
Một
Cách đây 50 năm, tại Nghĩa Trang Quân
Đội Gò Vấp, Gia Định những buổi chiều mưa dầm Tháng 6 miền Nam, anh xoay
xở quay quắt giữa những thây chết của những người lính thuộc đơn vị đầu
đời, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, Tiểu Đoàn 52 Biệt Động, Tiểu Đoàn 2/7 Sư Đoàn
5 Bộ Binh. Những người chết của chiến trận Đồng Xoài, Bình Dương nổ ra
từ những ngày đầu Tháng 6. Đối với một gã lính vừa qua tuổi 20 năm ấy,
sự mất mát của hàng trăm chiến hữu chỉ được đưa về sau nhiều ngày kể từ
khi tử trận, quả là một sự đau thương quá lớn.
Thân thể người chết căng cứng, xanh đen,
tím thẫm, dòi bọ lúc nhúc bò theo những vết thương sũng máu. Khoảng đất
nghĩa trang đặc sánh vì máu, thịt, con người chảy vữa, sênh sếch. Trong
đó có máu, thịt của bạn anh, Thiếu Úy Trần Trí Dũng, gã học sinh đã cho
bạn cùng lớp và toàn Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng niềm hãnh diện. Vô
địch bóng bàn học sinh, thủ quân đội bóng rổ, cũng là trung phong hàng
đầu của hội tuyển bóng tròn trường trung học đá hay nhất miền Trung.
Nhưng giờ đây, tất cả dạng hình tươi trẻ sống động của Dũng với lúm đồng
tiền trên má không còn nữa. Kéo fermeture bao đựng xác, bạn anh, người
bạn ấu thơ của Đà Nẵng hơn mươi năm trước bấy giờ chỉ là một thây xác
sùi sụp nước nhờn tím thẫm hôi hám. Có chăng được phần an ủi là xác Dũng
còn nguyên dạng hình chưa bị vữa nát. Buổi đá banh năm xưa ở sân vận
động Chi Lăng làm sao tưởng ra tình cảnh nầy Dũng ơi?
Nghĩa trang quân đội VNCH. Nguồn: OntheNet
Xóm nhà dân trước nghĩa trang phải di
tản vì mùi hôi thối bốc kín đặc khoảng không. Tiếng kêu khóc của thân
nhân tử sĩ âm âm oán thán, xót xa, xé cắt. Có bà cụ vật vã thều thào bên
chiếc poncho gói xác người, vừa lật mặt… Nam ơi! Nam ơi! Sao cháu bỏ bà… Anh ngồi xuống bên cạnh bà cụ… Bà ơi, con cũng tên Nam, cha mẹ con không còn, con gọi bà bằng bà thay anh Nam.
Trở về hậu cứ đơn vị nơi phi trường Biên Hòa, sân cờ tiểu đoàn trắng
màu khăn tang, con trẻ chạy thất thanh quanh những người mẹ đang nằm lăn
trước bậc thang các văn phòng đại đội. Thiếu úy ơi! Thiếu úy ơi! Hóa ra
anh là sĩ quan còn sót lại của một tiểu đoàn nhảy dù mà từ tiểu đoàn
trưởng, tiểu đoàn phó, 4 đại đội trưởng đồng tử trận. Không biết Đại úy
Phát, đại đội trưởng Đại Đội 74 và đám quân binh thất lạc nay đang ở
đâu. Thế nên, những tưởng Tháng 6 năm 1965 đã quá sức chịu đựng của con
người – Cho dẫu là người lính có khẩu hiệu Nhẩy Dù Cố Gắng!
Hai
Từ trên trực thăng ở Quảng Trị đổ về Huế
trong ngày mồng bốn Tết âm lịch anh đã thấy ra một thành phố Huế chết
lặng. Người Huế chết khi ẩn núp sau những gốc cây bị pháo, hỏa tiễn cộng
sản bắn lật ngược, cạnh hàng hàng rào chè cháy xém; trên lề đường với
mỗi viên gạch đồng bị vỡ vụn, nơi sân nhà trước chiếc bàn thờ xiêu đổ.
Người chết đang qùy lạy ông bà, với áo mới thấm máu, xé rách, con trẻ
còn cầm trong tay bao đỏ tiền lì xì đầu năm.
Tuy nhiên cảnh chết của Huế không chỉ
xẩy ra trong khu Thành Nội, trên đường Mai Thúc Loan, Đinh Bộ Lĩnh, khu
sân bay Tây Lộc, ở những cửa thành Thượng Tứ, Đông Ba. Chết ở Huế trùm
khắp, mọi chốn, tại mỗi phân đất tại vùng Bãi Dâu, bên cạnh Sông Hương,
nơi sân Trường Gia Hội, Chùa Áo Vàng… Và sau ngày quân cộng hòa chiếm
lại Kỳ Đài, đám cán binh cộng sản gồm du kích, nội thành, và bộ đội miền
Bắc bị đánh bật ra khỏi khu cố thủ Gia Hội, trên đường rút lui mang
theo những tù nhân vốn chỉ là con trẻ vị thành niên, người già, phụ nữ
nhưng là đối tượng làm con tin cho lần tháo chạy.
Thế nên cuối cùng, thì cảnh chết, sự
chết đã hiện thực, vượt khỏi sự tưởng tượng của bất cứ ai còn có nhân
tính – Bởi người Huế đã tiếp bị thảm sát do những kẻ cùng chung khu phố,
chung xóm nhà cư ngụ. Không sót một người. Không trật một người. Người
Huế bị giết do một Sự Ác được ngụy danh là “giải phóng”, để thỏa mãn mặc
cảm vô dụng, hèn kém của những kẻ gọi là “trí thức cách mạng”, điển
hình đặc chất Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Pham, Nguyễn
Đắc Xuân, Nguyễn thị Đoan Trinh, Tôn Thất Dương Kỵ.
Người Huế chết chật hết những bụi lùm ở
Khe Đá Mài vùng núi Ngũ Tây; sùm sụp bước chân của đoàn người tìm kiếm
trong những ngày hè cùng năm năm 1968. Hơi thây chết bốc lên theo nắng
đầu hè miền Trung ong óng như hờn oan. Nhưng hởi ôi! Chết ở Huế cũng
chưa đủ cho cuộc đau thương của người Việt. Người Việt miền Trung chiếm
đầu bảng đầu oán hận. Không phải đợi dài lâu.
Ba
Anh đang ở trên cây số 9 từ Quảng Trị kể
đến, vùng thôn Mai Đẳng, xã Hải Lăng. Không thể dùng một chữ, một tĩnh
từ, không thể nói, khóc, la, trước cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im
lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ, môi chảy máu tươi,
tay luống cuống, mắt mờ nhạt, mũi phập phồng.Không có thể biết gì về
thân thể đang mở ra trước sự tàn khốc trước mặt. Trời ơi! Hình như có
tiếng kêu mơ hồ dội ngược ở trong lồng ngực, trong cổ họng, nơi óc não,
hay chỉ là ảo giác của con người mất hết khả năng kiểm soát. Kiểm soát
làm sao được nhịp đập của quả tim, không ai ngăn cản cơn chớp liên hồi
của đôi mắt, tay nổi da gà, những sợi gân ở thái dương phồng lên đập
xuống – Máu chảy ngúc ngắc trăn trở lăn lóc khô khan khó nhọc trong
những gân căng đến độ chót … Cũng không phải như thế – Anh không biết,
hoàn toàn không biết được gì của xác thân. Anh không còn là người đang
sống, vì sống là sống cùng với người sống, chia sẻ vui buồn, đau đớn lo
âu với người sống. Chung quanh anh trước mặt chỉ còn một hiện tượng, một
không khí – Chết. Phải, chỉ có Sự Chết bao trùm vây cứng. Chỉ có nỗi
chết đang tầng tầng phủ chặt kín không gian. Cho dù rằng, Tháng 4, 5,
1972 ở An Lộc với những ngôi mộ vô danh, mộ tập thể, những cái chết câm
lặng đến độ chót của đau đớn kinh hoàng, người cha trầm tĩnh đi tìm từng
cái chân, cánh tay của năm đứa con vừa bị tan thây vì quả đạn đại pháo,
nhưng lại còn được một nấc chót – Bên cạnh người chết vẫn còn người
đang sống – Ở An Lộc, anh thấy được loại người cuối đáy đau thương đó.
An Lộc lại quá nhỏ, chỉ hơn một cây số vuông, cái chết cô đặc lại, ngập
cứng vào người nhanh và gọn như nhát dao ngọt.Cái đau đến chớp mắt,
người chưa kịp chuẩn bị thì đã ngập hẳn vào trong!
Nhưng ở đây, thôn Giáp Hậu, Mai Đẳng,
Hải Lâm của Quảng Trị thì khác hơn An Lộc một bậc, hơn trên một tầng,
tầng cao ngất chót vót, dài hơn An Lộc một chặng, dài hun hút mênh
mông.sự chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết,
chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh
thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu,
chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa … Anh đi theo chiếc xe công
binh ủi một đường dài, những xác chết, không, phải nói những bó xương bị
dồn cùng áo quần, vật dụng, chạm vào nhau nghe lóc cóc, xào xạc, “đống
rác” người ùn ùn chuyển dịch, một chất nhờn đen đen ươn ướt lấp lánh
trên mặt nhựa – nhựa thịt người !!Trời nắng, đồng trắng, con đường im
lìm, động cơ chiếc xe ủi đất – phải gọi xe ủi người mới đúng – vang đều
đều, hơi nắng bốc lên từng đường trên mặt nhựa, hơi nặng mùi … Vạn vật
chết trong lòng ánh sáng. Ánh sáng có mùi của Sự Chết. Nếu cảnh chết tập
thể của người Do Thái ở các trại tập trung gây nên niềm bàng hoàng xúc
động, vì thế giới chứng kiến, thấy ra được những “xác người,” chồng
chồng lớp lớp. Chín cây số đường chết của Quảng Trị không còn được quyền
dùng danh từ “xác chết” nữa, vì đây chết tan nát, chết tung tóe, chết
vỡ bùng … Chết trân tất cả mọi cái chết.Không còn được “người chết” trên
đoạn đường kinh khiếp đến tột độ của chốn quê hương thê thảm đọa đày.
Anh ra khỏi 9 cây số đường kinh hoàng
đến La Vang Thượng, xuống đi bộ vào La Vang chính tòa, nơi Tiểu Đoàn 11
Dù đang chiếm giữ. Hai cây số đường đất giữa ruộng lúa xanh cỏ, anh đi
như người sống sót độc nhất sau trận bão lửa đã thiêu hủy hết loài
người.Đường vắng, trời ủ giông, đất dưới chân mềm mềm theo mỗi bước đi,
gió mát và không khí thênh thang. Anh ngồi xuống vệ đường bỏ tay xuống
ao nước kỳ cọ từng ngón một. Anh muốn tẩy một phần sự chết bao quanh ?
Có cảm giác lạ : Anh vừa phạm tội. Tội được sống.
Bốn
Nhưng cuối cùng, hóa ra, khổ đau, sự
chết nơi chiến trận Đồng Xoài 1965 chỉ là khúc dạo đầu phần bi thảm với
những người lính tử trận. Cuộc tàn sát Mậu Thân, 1968 cũng trong giới
hạn của ngàn người dân thành phố Huế bị đập đầu, chôn sống. Và cho dẫu
ngọn lửa Mùa Hè 1972 gớm ghê khốc liệt bao nhiêu cũng chỉ bùng cháy,
tiêu hủy các thị xã An Lộc, Kontum, Quảng Trị. Hóa ra Địa Ngục Miền Nam
không chỉ chứng ấy. Hóa ra khổ đau Miền Nam không chỉ với vài ngàn, vài
chục ngàn người chết, những thị xã bị tiêu hủy.
Tai ương Việt Nam, thảm họa miền Nam thăm thẳm vô bờ với mùa xuân uất hận không thể nào quên dẫu hôm nay đã 40 năm sau 1975.
Chúng ta hãy nhìn lại đoạn đường máu
thẫm của một dân tộc đọa đày trên quê nhà điêu linh. Đầu xuân năm 1975,
vào buổi tháng Ba, thêm một lần người Miền Nam tự hỏi: Cộng sản sắp đánh
ở đâu? Khi nào sẽ đổ ra thêm một trận máu xương với lực lượng cộng sản
miền Bắc nhất quyết thực hiện bước cuối cùng cái gọi là sự nghiệp “giải
phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Sự nghiệp cách mạng mà 40 năm sau
1975 bày ra tình cảnh nguy nan vô hạn với hiểm họa mất nước về người
Hoa, và xã hội Việt Nam chìm ngập xuống vực thẳm băng hoại, suy vong.
Vào Tháng Ba năm 1975, lãnh thổ miền Nam
đã bị mất một phần thuộc phía bắc sông Thạch Hãn, Quảng Trị của quân
Khu I; ở Quân Khu II mất phần đất nằm về mặt bắc và tây của vùng Trường
Sơn; và quanh Sài Gòn một vùng rộng lớn của miền Đông Nam, từ thượng lưu
sông Đồng Nai qua Phước Long, Bình Long, Tây Ninh về Long An, Hậu
Nghĩa, xuống Kiến Tường, Định Tường thuộc châu thổ sông Cửu Long. Trong
tình hình chung như vừa kể, Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân Đoàn
II đóng ở Pleiku lúc ấy không thể quyết đoán cụ thể về kế hoạch quân
cộng sản sẽ đánh ở đâu trong vùng Quân Khu II. Trong khi ấy, cộng sản Hà
Nội lập kế hoạch, bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên từ 4 tháng 3 đến 3
tháng 4 năm 1975 mang mật danh là Chiến Dịch 275. Cuộc tiến công xử dụng
các đơn vị cấp sư đoàn bộ binh Bắc Việt có chiến xa, đại bác nặng yểm
trợ khởi cuộc nổ súng từ ngày ngày 10 Tháng 3 năm 1975 với mục tiêu là
Ban Mê Thuộc, thành phố cực Nam của vùng cao nguyên. Bộ chính trị, quân
ủy trung ương tại Hà Nội đã điều động thực hiện cuộc tấn công miền Nam
với hai lợi điểm mà thật sự là hai ưu thế quyết định. Đấy là sự bất ngờ
về tình báo thêm được bảo đảm bằng cái ô chính trị tuyệt đối an toàn tức
là biết chắc Mỹ sẽ không bao giờ can thiệp lại vào Việt Nam. Cụ thể Hạm
Đội Mỹ quay mặt trước lần hải quân Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa của
VNCH, tháng 1, năm 1974.
Trong cuộc họp mật của Bộ Chính Trị
Trung Ương Đảng vào tháng 1 năm 1975 trước khi phát lệnh tấn công miền
Nam theo kế hoạch Chiến Dịch 275, Ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng chính phủ
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa một bên ký kết Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình tại
Việt Nam đã hân hoan tuyên bố: “Cho kẹo Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam!”
Ngày 10 Tháng 3 năm 1975, quân đoàn Tây
Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
đến từ Hà Nội đồng loạt tấn công vào thị xã Ban Mê Thuộc với những sư
đoàn 324, 324B, 320, 308, 316 và cả sư 341 tổng trừ bị của quân đội miền
Bắc. Nhưng khi quân dân Ban Mê Thuộc đang trên bờ vực sống-chết thì báo
chí thế giới, báo cộng sản ở Hà Nội, báo phản chiến ở Sàigòn đều đồng
thanh phát biểu: “Cách mạng giải phóng miền Nam là do mâu thuẫn giữa
giai cấp cách mạng và giai cấp phản cách mạng; giữa nhân dân tiến bộ và
thành phần ngụy quân, ngụy quyền phản động; giữa lực lượng vũ trang cách
mạng và tập đoàn quân phiệt, phát xít công cụ của chủ nghĩa thực dân
mới kiểu Mỹ…”
Với sư đoàn F10 làm mũi nhọn được hai sư
đoàn 320, 316 tăng cường, và sư 341 làm tổng trừ bị, lực lượng cộng sản
có khoảng 25,000 người được pháo binh, chiến xa nặng yểm trợ phối hợp.
Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuộc phía VNCH chỉ có khoản 1,200 lính chiến
đấu trong tổng số lính hậu cứ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lực lượng Địa
phương quân Tiểu khu Đắc-lắc, và Liên đoàn 22 Biệt động quân. Thế nên từ
hai giờ sáng ngày 10 tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công mà tướng Dũng ước
tính chiến trận Ban Mê Thuộc sẽ chấm dứt sau một tuần nhưng chỉ đến 5
giờ 30 chiều cùng ngày, thị xã Ban Mê Thuộc hầu như thuộc về phần kiểm
soát của quân Bắc Việt cho dù Biệt Động Quân và bộ binh vẫn tiếp tục
chiến đấu. Dũng cứ tưởng như là giấc mơ. Và Dũng đã đi từ giấc mơ sang
một vùng ảo giác vào những ngày sau khi được báo cáo: Quân đoàn II tháo
chạy!
Cuộc di tản dọc Tỉnh Lộ 7 theo lộ trình
Pleiku-Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với mối đau thương dài đặt trên hai
trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn dân thường đi từ hai thành phố
Kontum, Pleiku. Phải, chỉ là dân thường những người nghèo không đủ tiền
mua vé máy bay vào những tuần, tháng trước.
Trời cao nguyên buổi tàn xuân gây gây
rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung
đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt ngưi, vạn tròng
mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng,
thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh
núi Hàm Rồng.
Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong đôi
ngươi những người lính Liên Đoàn 7 Biệt động quân, thành phần hậu vệ
đoàn di tản. Trời cao nguyên với thị trấn Pleiku thường chĩu lặng sương
mù nay oằn thân vật vã trong màu lửa địa ngục. Lửa từ khối đống kim loại
vũ khí, từ những kho quân nhu, quân cụ soi loang loáng chập chờn những
đường dốc hun hút lẫn khuất dưới tàng thông.
Tất cả đồng nhóm lên màu đỏ chói. Màu đỏ của máu lửa soi chập chờn đoàn người di tản thê thiết.
Đoàn di tản qua được một ngày bình an.
Bình an sống sót qua đói, khát, nhục nhằn và lo âu. Lính gục trên mũi
súng; đàn bà, con trẻ nằm rũ lên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống,
được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở trời? Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
Nhưng nỗi bình an này không kéo dài được, bởi người cộng sản chỉ trong
ngày 16 tháng Ba đã tìm ra đáp số cho câu hỏi: Quân đoàn II đang tính gì
sau chấn thương ngày 10 tháng Ba tại điểm bất ngờ Ban Mê Thuộc?
Qua máy dò tìm làn sóng điện, Bộ Tư Lệnh
Mặt trận B3 cộng sản khám phá những phi cơ C47, C130 xuất phát từ phi
trường Cù Hanh (Pleiku) đi Nha Trang không có lượt bay về. Sự kiện nầy
đã trút mối âu lo của Tướng Dũng về việc lực lượng VNCH có thể điều quân
tái chiếm Ban Mê Thuộc. Thế nên Dũng ra lệnh cho Sư Đoàn 320 băng rừng
truy kích đoàn di tản và Sư Đoàn 968 từ Lào về trên đường bôn tập về
hướng Pleiku cũng được lệnh đâm ngang từ ngã ba Thanh An chuyển hướng
hành quân dài theo Tỉnh Lộ 7 xuống đồng bằng vùng duyên hải miền Trung.
Ngày 16 tháng Ba, Một Chúa Nhật điêu
linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu rây. Đoàn di tản bị
chận ở phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây
quận lỵ Phú Bổn. Xe tăng cán ngang lên GMC; xe GMC hất xe đò chở thường
dân xuống vực thẳm, cũng hất luôn những xe jeep nhỏ, và cán qua những
chiếc xe Dodge 4 của địa phương quân chở những người già và trẻ em tan
tác. Chiếc vespa của một gia đình chạy lông lốc, xiêu vẹo trên sườn đồi;
đứa con, người vợ rơi tơi tả, người chồng, người cha rơi cuối cùng với
chiếc xe vỡ toang trên mỏm đá.
Và súng nổ… 105, 155 pháo binh, hỏa tiễn
TOW, XM72 của phía cộng hòa; 130 ly, 122 ly, B40, B41 của phía cộng sản
tất cả cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh
sắc núi mờ nhòa ánh nắng. Mặt trời bị chìm khuất trong khói xám. Có xác
bà già ngồi dựa bờ đất bên lề đường, người khô quắt không vết thương.
Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi, miệng… Đám kiến rừng
bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi. Ba đứa trẻ mắt lạc thần ngồi nhìn đoạn
đường hỗn loạn không cảm giác. Bé trai nhỏ nhất gục đầu trên gối chị ngủ
lay lắt.
Bao trùm tiếng la khóc khản đặc của
người có âm thanh của đạn súng sơn pháo nổ thật gần. Sư đoàn 320 Điện
Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự,
người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ
khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất
bay bay.Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị
nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu
cầu nổi bắc qua sông Ba. Chiếc cầu bắc vội mỏng manh không thể nào chứa
nổi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe.. Chiếc tăng M48 như khối đá
ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng người hét nghẹn,
trên pháo tháp có đám người ngoi ngóp, người đạp lên đầu, lưng, vai
người để được thở được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im
lặng, kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên
cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quẫy lên, tung tóe những tay chân
người kẹp dính đâu dưới lưng xe.
Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy
Hòa vào ngày 25 tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động dẫn đầu. Hai-trăm
ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục
ngàn người. 200,000 trừ đi 60,000 vậy đã chết bao nhiêu? Không ai có thể
tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trường
hợp của từng người thân, của mỗi gia đình, của chính thịt da mình. Trên
chiếc trực thăng từ phi trường Đông Tác (Tuy Hòa) về Nha Trang, viên
thiếu tá ngồi ôm đứa con nhỏ, gục đầu nín thinh khi đứa bé chợt nhớ và
hỏi nhỏ… Bà nội đâu hở ba? Trong đêm khuya nơi trại tạm cư ở đèo
Rù Rì, nghe những lời than vãn rời rạc lẫn tiếng khóc nấc nghẹn ghìm
ghìm. Trên bãi biển Nha Trang từng khối người ngồi chập choạng dưới
trăng khuya. Trăng vàng chạch, đỏ nhừ nhừ như máu bầm. Trong lòng người
di tản từ cao nguyên đồng bằng trong tháng Ba năm 1975 hầu như ai cũng
đọng khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oan hờn của một dân tộc
điêu linh chỉ khác người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất.
Mùa Chúa chịu nạn giải cứu thế gian diễn
ra cùng lần bức tử miền Trung. Khởi đầu buổi Đồng Tế tàn cuộc miền Nam.
Bắt đầu từ Ngày 10 Tháng Ba ở Ban Mê Thuộc, dọc tỈnh lộ 7 B, con lộ máu
dẫn về miền duyên hải. Hóa ra không cần đủ hết tháng Ba, để tiếp theo
tháng Tư thấm máu toàn miền Nam sụp vỡ. Thế nên, người hôm nay phải viết
lại, phải nói lên – Vì nếu không sẽ có tội – Tội với những người đã
chết mà lượng người chết trên tỉnh lộ 7 B là oan khiên đồng hiến tế khởi
đầu lần tận diệt Quê Hương của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.
Bốn Mươi Năm Trận Ban Mê Thuộc
Lần Khởi Cuộc Mất Quê Hương
(10 Tháng 3, 1975-2015)
Lần Khởi Cuộc Mất Quê Hương
(10 Tháng 3, 1975-2015)