vendredi 24 avril 2015

40 Năm – Vẫn Chuyện Lá Cờ - Đỗ Xuân Tê

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiDsm1048vvQJsBR8NYn_liOWaeTL40aILDnHah1hj3f_33OTbm4Dau0sTNk2cJqjlyqwaI-FzPdRGXfcVqmQwFi_wxTQsT_NVomJ-kZ_hdMgr-4HdYzM12okCgbJhO-M_IsRc6N7tGoLli/s315/@image.pngNhìn đoàn diễn hành trên phố Bolsa, một đại lộ lớn nằm trên khu Little Sàigòn, tựa như Lê Lợi của Sài Gòn vang bóng, tôi thực sự ngỡ ngàng và xúc động khi một đòan áo trắng như những thiên thần chân đất cầm một rừng cờ vàng ba sọc đỏ nhịp bước qua khán đài như một cuộc biểu dương sức mạnh của cộng đồng trong dịp mừng Tết Ất Mùi 2015 theo thông lệ hàng năm.

Một cộng đồng 40 năm về trước đã ngậm ngùi bỏ nước ra đi - những tưởng chẳng có một ngày vào mùa xuân bốn thập niên sau - lại vẫn cầm được ngọn cờ biểu tượng tự do của miền Nam yêu dấu, giương cao khát vọng của những người đã đánh mất Tổ Quốc nhưng vẫn yêu quê hương, kiêu hãnh về sự lớn mạnh của những người gốc Việt mà những kẻ thắng cụộc một thời dè bỉu vùi dập đã phải ấp ôm vồn vã coi như bộ phận kiều bào không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, cũng là cái vú sữa hàng năm bơm về hàng chục tỷ mỹ kim cho người thân, bạn bè và những người cùng khổ.

Trước hết nói về lá cờ đây không phải là chuyện cố níu quá khứ để rồi hoài niệm một cái gì thân thương đã mất mà trước sau lá cờ tổ quốc vẫn là một một biểu tượng thiêng liêng mà hàng triệu người mìền Nam quân cũng như dân đã đổ máu trong suốt hai thập niên để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ (đã được phân định tạm thời theo công pháp quốc tế) cùng gìn giữ phát huy những giá trị nhân bản trong đó có tự do và quyền được sống như một con người.
 
Tiếc thay và cũng là sự oái oăm của lịch sử, một chế độ bị ngậm ngùi xóa sổ, một quân đội bị tức tưởi tan hàng, lý tưởng trong sáng một thời chôn vùi theo dĩ vãng. Dở khóc dở cười khi bên thắng cuộc không kìm nổi bước chân của hàng triệu người miền Nam bỏ lại quê hương, chưa hẳn vì miếng cơm manh áo nhưng trước hết là chối bỏ một chế độ độc tài, một chủ nghĩa xa lạ liều chết ra đi miễn là đến được bến bờ tự do.

Nơi đất nước tạm dung, những người gốc Việt một mặt nhanh chóng hội nhập và tôn trọng thể chế của các nước sở tại, mặt khác đã biết tập hợp, đoàn kết trong tình đồng hương khơi dậy biểu tượng một thời đã sống chết vì nó, trân trọng ấp ủ ngọn cờ vàng giờ đây coi như một một căn cước của người Việt Tự do, trở thành một bản sắc văn hóa không thể bị đồng hóa hay đánh tráo bởi bất cứ thế lực hắc ám nào khác.

Không phải ngẫu nhiên mà 156 thành phố trên đất nước Hoa-kỳ cùng nhiều tiểu bang, quận hạt đã nhìn nhận tôn trọng lá cờ vàng của những người Việt tị nạn, không hề thách đố cấm đoán hạn chế việc vinh danh trong khuôn khổ địa phương mỗi khi cộng đồng này tổ chức kỷ niệm những sinh hoạt tập thể theo truyền thống và tập quán của họ, mà trong chừng mực nào đó, biểu tượng cờ vàng còn chiếm vị trí độc tôn trong một số thành phố quận hạt có đông đảo người Việt sinh sống làm ăn, không phải chỉ ở Mỹ mà ở bất cứ nơi đâu có cộng đồng người Việt quốc gia.

Nhớ lại năm năm trước đây, nhân đánh dấu 35 năm biến cố đau thương 30-4, một cuộc tưởng niệm đã được các giới chức của Hải quân Hoa kỳ và quan chức địa phương tổ chức trên hàng không mẫu hạm Midway, một chiến hạm có vai trò tích cực trong cả thời kỳ chiến tranh lẫn cứu người di tản, nay trở thành một bảo tàng nổi về lịch sử chiến tranh của Hải quân Hoa kỳ, bỏ neo trên vịnh San Diego. Đáng chú ý là sau gần bốn thập niên, lá cờ vàng lại được dịp tung bay trước gió trên kỳ đài của mẫu hạm song hành với lá cờ hoa của Hiệp chủng quốc, bất kể quốc gia sở tại đã có quan hệ bình thuờng với một cựu thù và cũng là nhân tố đã xô đẩy những người Việt ra biển Đông bỏ lại quê hương sau tháng tư đen.
https://vietbao.com/images/file/b18WC_pJ0ggBAF4m/w480/chuyen-la-co-2.jpg  
Giờ đây, 40 năm nhìn lại, việc gìn giữ và phát huy ý nghĩa của ngọn cờ vàng không còn là chuyện của những người tị nạn thế hê thứ nhất mà con cháu họ, thế hệ sinh ra và lớn lên trên xứ sở tạm dung, đã tiếp nối truyền thống của những người đi trước, các cháu đã hiểu vì sao cha ông họ phải bỏ nước ra đi, càng thấm thía nỗi lòng của những người đánh mất Tổ quốc.

Lịch sử càng oái oăm khi bốn mươi năm sau, đất nước một thời có hàng triệu người bỏ nước ra đi, những người lãnh đạo bên thắng cuộc tưởng rằng chỉ những người ở lại mới yêu chủ nghĩa xã hội, nhưng qua cuộc thăm dò mới nhất trên 106 quốc gia toàn thế giới, tổ chức PEW, cơ quan phi đảng phái có trụ sở ở Washington, D.C. chuyên thăm dò dư luận quần chúng, phân tích các sự kiện truyền thông, nghiên cứu các dự báo dân số… tại Mỹ và thế giới, tuy là tổ chức tư nhân nhưng lại là một think tank có ảnh hưởng định hình chính sách của Mỹ đã đưa ra kết quả chỉ có một quốc gia duy nhất là Việt nam là có tỷ lệ cao nhất trên 90% số người được thăm dò tỏ ý thích chủ nghĩa và giấc mơ Mỹ. Số nuớc còn lại chỉ trên dưới 70%, và ngay chính dân Mỹ tỷ lệ yêu thích cũng chỉ đạt 83%.

Dù chỉ là cuộc thăm dò đơn lẻ nhưng cũng nói lên xu hướng toàn cầu đang nghiêng về những giá trị nhân bản thiên về tự do no ấm, quyền được làm người, dù chẳng nơi nào là hoàn thiện nhưng ít nhất khẳng định một điều thà chết để đi tìm tự do còn hơn sống mòn trong một xã hội bị chà đạp, trả thù và kỳ thị - một quyết định táo bạo và sự chọn lựa đúng nhất của dòng người bỏ lại quê hương sau tháng tư đen.

Suy nghĩ như vậy, chuyện lá cờ sẽ không bao giờ mai một và việc những người gốc Việt cùng hậu duệ của họ còn ôm ấp như biểu tượng thiêng liêng vẫn là một ý thức chính trị đầy ý nghĩa và đúng nghĩa nhất sau 40 năm ngậm ngùi nhìn lại.

Đỗ Xuân Tê
https://vietbao.com/a236634/40-nam-van-chuyen-la-co