I– Sáng sớm ngày 2 tháng 8, 2016 tại Los Angeles, nhà
phê bình Nguyễn Tà Cúc tác giả cuốn “Văn Học Miền Nam, Nhóm *Tạp chí văn
học *Tác giả” gọi điện thoại cho tôi cho biết có tin nhà văn Dương
Nghiễm Mậu vừa từ trần tại Sài Gòn. Vài giờ sau nhà thơ Thành Tôn cũng
gọi báo tin trên, nói rõ hơn, tác giả Cũng Ðành ra đi vào 8 giờ 35 phút
tối giờ Sài Gòn, hai ngày sau một tai biến tim mạch.
Dương Nghiễm Mậu tên thật Phí-Ích-Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936
tại làng Mậu Hòa, tổng Dương Liễu, huyện Ðan Phượng, tỉnh Hà Ðông (Bắc
Việt). Di cư vào phía Nam vĩ tuyến 17 sau chia cắt đất nước 20 tháng 7,
1954, theo đại gia đình cư ngụ ở Nha Trang. Vào Sài Gòn, năm 1961 sinh
hoạt trong nhóm tạp chí Văn Nghệ của chủ nhiệm Lý Hoàng Phong cùng Ngọc
Dũng. Năm 1963 in tác phẩm đầu tay Cũng Ðành, một tập truyện ngắn. Nhập
ngũ năm 1966 phục vụ tại Ðài Tiếng Nói Tự Do như một biên tập viên kiêm
phóng viên, sau chuyên về phóng sự mặt trận. Từ 1969 viết truyện dài
từng kỳ hàng tuần trên báo Khởi Hành cho tới 1973 chuyển ra báo Thời
Tập, viết hàng tháng tới 1975. Lập gia đình với cô Hồ Thị Ngọc Trang năm
1971 sau nhiều lần ra Huế. Cộng tác với các tạp chí văn học khác phần
lớn bằng truyện ngắn, thể tài sở trường của ông. Ðã in 20 tác phẩm tính
đến 1973, truyện ngắn vẫn là huyết mạch, là con dao chủy thủ của Dương
Nghiễm Mậu: “Các tác giả thường trải qua một giai đoạn viết truyện ngắn
trước khi viết truyện dài. Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết
với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi
đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất
ngờ hung hãn như một nhát chém. Truyện ngắn thường là một chi tiết đủ
nghĩa của một đề tài thu hẹp. Với khuôn khổ khó khăn của kỹ thuật nhưng
tự nó không là một thể văn gò bó. Một truyện ngắn không bao giờ là một
trích đoạn của một truyện dài thành công…” (Phát biểu với nhà văn Nguyễn
Ðông Ngạc, 1973).