Quán Anh Vũ là cái tên ban đầu của quán văn nghệ, quán cơm nghệ sĩ và
sinh viên Anh Vũ, thành lập từ sáng kiến của ông Võ Đức Diên, một kiến
trúc sư và cũng là một nghệ sĩ.
Người bạn của tôi, sống ở khu vực gần cầu Trương Minh Giảng, xưa
gọi là khu xóm Vẹc (do từ cái tên cũ Eyriaud Des Vergnes thời Pháp thuộc
của đường Lê Văn Sỹ, Q.3 hiện nay), kể chuyện chị mình, nay cũng đã hơn
70 tuổi:
Năm 20 tuổi và đang là sinh viên, khoảng đầu thập niên 1960, chị
náo nức khi đọc báo và biết có cuộc thi tuyển lựa diễn viên đóng xi nê
ma ở quán Anh Vũ, đường Bùi Viện. Vốn là cô gái gốc Bắc khá xinh xắn ở
khu di cư Bùi Phát, chị đánh liều đi dự tuyển, không xin phép gia đình
(vì có xin cũng không được phép).
http://dc465.4shared.com/img/I_8SJwJT/6774b635/dlink__2Fdownload_2FI_5F8SJwJT_2FQuanAnhVu-NguyenHuy-BichHa_5FNgu.mp3_3Fsbsr_3D3d1177c3f63831ae1509502862641546983_26lgfp_3D7200/preview.mp3 Quán Anh Vũ-Nguyên Huy-Bích Hà-Nguyễn Đình Khánh
Cuộc dự tuyển do Hãng Liên Phim tổ chức, quảng cáo là một cuộc
tuyển lựa vô cùng vĩ đại. Mướt mồ hôi dự tuyển, tự diễn vài cảnh nho
nhỏ, chen vai thích cánh với hàng trăm người, cuối cùng chị ra về, mong
có vai diễn trong phim Đò dọc và Tình bạn gì đó nghe nói sắp quay.
Về nhà đợi mãi, nghĩ đi nghĩ lại rằng nếu mình trúng tuyển đi đóng
phim thì bố mẹ sẽ nói sao! Cuối cùng, không hề thấy ai gọi và cũng không
có bộ phim nào có tên như vậy ra đời. Chị thẫn thờ tiếc một cơ hội
không biết có hay không, rồi lại mừng vì nếu nó đến thì phải ăn nói làm
sao với “ông bô bà bô”. Nhưng nhờ vậy, chị biết đến một quán cơm từ
thiện rẻ và ngon dành cho sinh viên, và biết thưởng thức ca nhạc ở phòng
trà, một thú giải trí rất mới, thanh lịch, dù có hơi tốn kém so với túi
tiền sinh viên.
Trước kia vào khoảng năm 1945, ông Võ Đức Diên lập ra một ban kịch
lấy tên là Anh Vũ và tái lập năm 1955, sau đó ông lấy tên này để tiếp
tục thực hiện ước vọng của mình là vừa làm việc xã hội vừa tiếp tục theo
đuổi hoạt động văn nghệ. Quán Anh Vũ là nơi gặp gỡ giới nghệ sĩ sáng
tác và biểu diễn, là nơi thí điểm để các tài năng mới thể hiện mình khi
chưa có tên tuổi.
Thời điểm cuối thập niên 1950, chỉ các vũ trường mới có trình diễn
ca nhạc nhưng chủ yếu để khách khiêu vũ, nên khi quán Anh Vũ hình thành
phòng trà giải khát và thưởng thức âm nhạc đã tạo một sinh khí mới trong
sinh hoạt nghệ thuật của Sài Gòn. Anh Vũ là phòng trà có bề ngang chừng
10 m, sâu khoảng 30 m, chứa được 300 đến 400 chỗ ngồi và một ban nhạc,
nằm phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo, số 43 Bùi Viện, một con đường nhỏ sát
trung tâm Sài Gòn. Quán được mở ra trước Tết Canh Tý 1960, được xem là
một quán thanh lịch và có phòng trà lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Trong khuôn
viên quán có một sân khấu nhỏ phía bên phải, còn quán ăn nằm phía bên
trái.
Ban ngày, nơi đây là quán cơm. Mỗi bữa cơm chỉ có hai mức giá 5
đồng và 10 đồng, được xem là rẻ vì tính giá bằng phân nửa giá bán thông
thường. Quán mở đến 7 giờ tối, lúc nào cũng đông nghẹt khách.
Buổi tối, phòng trà mở cửa. Ban đầu, ông Võ Đức Diên mời được nhạc
sĩ Phạm Duy về giới thiệu chương trình, còn nhạc sĩ Lê Thương phụ trách
sân khấu ca vũ kịch. Ngoài ra còn có ban Vũ Phong Lan của hai vũ sư nổi
tiếng Lưu Bình và Lưu Hồng. Số ca sĩ thường trực ở quán là 12 người. Lớp
ca sĩ tiên phong của phòng trà này có danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các
nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Ca khúc Hận Đồ Bàn
với tiếng hát trầm ấm của Việt Ấn đã làm say mê người nghe. Quán còn
được sự góp mặt thường xuyên của các ca sĩ như Bạch Yến, Mai Hương, Duy
Trác, Cao Thái…
Không ít ca sĩ đã từ ca hát ở phòng trà và vũ trường mà rực sáng và
Anh Vũ là một cái nôi nghệ thuật của Sài Gòn. Theo nhà báo Đoàn Thạch
Hãn, tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm
dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay
Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Có người cho rằng bài Phố buồn được nhạc sĩ
Phạm Duy sáng tác chính trong giai đoạn này. Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu
sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ lúc mới 18 tuổi và chưa nổi tiếng.
Phòng trà và quán cơm Anh Vũ thời gian đầu trở thành địa chỉ sum
họp của giới nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn Sài Gòn thời đó. Có lúc Anh Vũ
cũng tổ chức các hoạt động khác như là nơi tuyển chọn diễn viên như câu
chuyện kể trên.
Đến cuối năm 1962, do tình hình an ninh, chính phủ lúc đó ban hành
giới nghiêm, không cho phép các vũ trường hoạt động nên quán Anh Vũ đóng
cửa. Trước đó, từ một phòng trà thanh lịch, quán đã dần biến thành một
vũ trường bình dân, mất đi hào quang thuở ban đầu và giới ca sĩ chuyên
nghiệp không đến hát nữa nên khách vắng thưa dần. Quán cơm Anh Vũ và
phòng trà Anh Vũ chỉ còn trong tâm tưởng lớp người sống ở Sài Gòn một
thời đã xa, những người lớp tuổi bảy mươi và tám mươi. Họ hoài niệm nó,
như trong một đoạn thơ không rõ tác giả: “Sài Gòn ta gởi cho em/Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do/Nhớ em! Ôi, thuở học trò/Này đường Nguyễn Trãi, con đò Thủ Thiêm...”.
Phạm Công Luận
http://thanhnien.vn/van-hoa/sai-gon-chuyen-doi-cua-pho-quan-com-phong-tra-anh-vu-669132.html